Quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước (Kỳ 1): Tách bạch công - tư
Điều kiện tiên quyết đặt ra hiện nay là phải hoàn thiện thể chế, bởi đó là vấn đề rất quan trọng liên quan tới quản trị doanh nghiệp nhà nước.
LTS: Đề án “Áp dụng quản trị hiện đại đối với các doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu Nhà nước” đang được Chính phủ xây dựng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc đầu tiên lại bắt nguồn từ cơ chế quản lý.
Trước đây, doanh nghiệp tư nhân thường kêu ca bị đối xử không bình đẳng, còn hiện nay, chính doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại chỉ mong được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp tư nhân.
Thay đổi từ thể chế
Quản trị doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng nhưng thiết kế chính sách hiện nay chưa đúng với tinh thần và chuẩn mực mà chúng ta hướng tới, doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự có quyền tự chủ kinh doanh.
Đơn cử, khi thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, không có ai mua thì không sao, nhưng nếu rất nhiều người mua và một tuần sau đó cổ phiếu lên giá là lập tức đặt dấu hỏi, có phải lãnh đạo cố ý làm thất thoát tài sản nhà nước hay không?
Hoàn toàn không phải. Trường hợp này, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc, kiểu gì cũng tìm ra được sai sót. Như vậy, vô hình trung chúng ta đang đẩy tiến trình cổ phần hóa theo hướng “cứ từ từ mà làm, làm thận trọng hơn làm nhanh, hiệu quả” như thực tế đang diễn ra. Nếu tư duy này không thay đổi, DNNN không có động lực tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa để hoạt động hiệu quả hơn.
Nếu đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN đang giảm thì chưa chính xác. Đúng là khu vực này đang giảm nhưng chủ trương của chúng ta là giảm dần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp thì đương nhiên quy mô và đóng góp của DNNN vào ngân sách so với khu vực doanh nghiệp khác giảm đi.
Hơn nữa, trong quan niệm của xã hội và nhiều nhà quản lý hiện nay vẫn nghĩ DNNN kém hiệu quả, DNNN làm ăn thiếu minh bạch, tôi cho rằng cần đánh giá công bằng hơn, vì khu vực doanh nghiệp này bị ràng buộc bởi quy định từ tuyển dụng, đến cơ chế lương, quyết định đầu tư… Về lâu dài, muốn tạo sự bình đẳng hơn và để DNNN làm đúng, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, phải tách bạch nhiệm vụ kinh doanh, làm kinh tế với nhiệm vụ liên quan đến công ích, xã hội, chính trị. Đặc biệt là tách rõ ràng mạng lưới độc quyền tự nhiên ra khỏi nghiệp vụ kinh doanh có khả năng cạnh tranh. Ví dụ, để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, cần cho phép nhiều nhà máy điện cùng sản xuất và tiêu thụ điện…
Cần bộ tiêu chuẩn riêng
Luật Doanh nghiệp hiện hành như một “cái vung” áp dụng chung cho cả ba loại hình DNNN, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khó mà bao quát hết. Dứt khoát trong giai đoạn tới, cần có bộ tiêu chuẩn nguyên tắc về quản trị DNNN, nếu áp dụng nguyên quản trị của tư nhân vào, sẽ rất khó cho họ làm. Đồng thời phải xây dựng ngay bộ tiêu chí riêng đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN để bảo đảm sự công bằng. Bộ tiêu chí này, ngoài đánh giá hiệu quả về kinh tế dựa trên doanh thu, lợi nhuận, phải có bộ tiêu chí về đánh giá sự đóng góp của họ đối với nền kinh tế, cụ thể là giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước...
DNNN đang vướng phải nhiều rào cản khó vượt qua, thí dụ trong kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân có thể thất bại ba đến năm thương vụ, nhưng DNNN không được theo cơ chế đó. Hơn nữa, cơ chế bó buộc năm sau phải lãi hơn năm trước, dẫn tới không thể phát triển được. Kinh doanh đâu có đơn giản, mỗi dự án đầu tư phải chấp nhận lỗ kế hoạch ít nhất hai đến ba năm. Nới lỏng thì sợ thất thoát như Vinashin, nhưng siết đến mức không làm được thì doanh nghiệp đành ngồi chơi, mâu thuẫn này đến nay chưa gỡ được.
Được biết, nhà nước đang xây dựng đề án sửa đổi Luật Doanh nghiệp, hi vọng những bất cập trên sẽ được hóa giải.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM:
“Đối xử công bằng” với doanh nghiệp Nhà nước là một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, cùng với tiến trình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để doanh nghiệp Nhà nước ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường còn nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt khi so sánh với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế phổ biến.
Có thể bạn quan tâm
Quyền tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước: Quyền tự chủ và nguyên tắc thị trường
16:13, 25/02/2021
Quyền tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước: Góc nhìn từ Vinatex
16:11, 25/02/2021
Thủ tướng: Sẽ giao dự án cho tư nhân nếu doanh nghiệp Nhà nước "ôm dự án" không làm
16:05, 20/02/2021
Doanh nghiệp nhà nước: Chưa tách bạch quyền chủ sở hữu với quyền của doanh nghiệp
04:10, 11/02/2021