Thu nhập công nhân dù được cải thiện… vẫn chưa thể nuôi vợ con

Minh Hương 21/05/2018 11:39

Đó là chia sẻ của anh Hà Văn Thanh hiện đang làm công nhân tại nhà máy sản xuất máy in, máy photo Kyocera, Nhật Bản (KCN VSIP) khi trò chuyện với phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Vấn đề nhà ở hiện nay được nhiều công nhân quan tâm

Vấn đề nhà ở hiện nay được nhiều công nhân quan tâm

Hiện nay, Hải Phòng có khoảng 90 vạn công nhân đang làm việc tại gần 20 Khu công nghiệp (KCN). Mỗi năm, thành phố giải quyết cho trên 50 vạn người lao động có việc làm mới, đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động. Nhiều dự án KCN, nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài “đổ bộ” liên tiếp vào Hải Phòng đã giúp thu nhập và đời sống của công nhân được cải thiện rõ rệt. Song song với đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần được quan tâm đúng mức.  

Thực tế cho thấy, công nhân lao động tại các KCN đang đứng trước hai mối lo thường trực là thiếu nhà ở và nhà trẻ. Thời gian qua, Hải Phòng đã có chủ trương xây dựng Dự án nhà ở bán cho các đối tượng có thu nhập thấp nhưng thu nhập của người lao động còn hạn chế nên việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hàng vạn người lao động vẫn phải thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Ở hầu hết các doanh nghiệp, KCN không có khu sinh hoạt văn hóa, thể thao dành công nhân lao động và nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ việc nuôi dạy, học tập cho con của người lao động.

Trở lại câu chuyện của bạn Hà Văn Thanh. Thanh sinh năm 1998, quê ở Vân Sơn, Phú Thọ hiện đang làm kiểm tra bàn phím và màn hình của máy in đã được hơn 1 năm. Trước khi vào đây, anh từng làm một thời gian ngắn tại một nhà máy giày da tại Hải Phòng với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Thanh cho biết: Khi chuyển sang đây, mức thu nhập cao hơn, bình quân 5,5 triệu đồng/tháng. Tháng tăng ca nhiều sẽ được 6,3 triệu đồng. Hàng tháng, trừ tiền nhà trọ, tiền điện nước và không đi chơi hay ăn uống cùng bạn bè thì Thanh cũng để ra được 3 triệu đồng. Là công nhân tỉnh xa đến Hải Phòng lập nghiệp, lại không được công ty hỗ trợ chỗ ở vì vậy đôi khi Thanh không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà hay tủi thân vì không có nhiều bạn bè giúp đỡ lúc khó khăn...Khu nhà trọ hiện tại của bạn ở Mỹ Cụ, Hoa Động, Thủy Nguyên không thực sự đảm bảo an ninh. Mỗi khi đi làm hay buổi tối, mọi người thường cất hết đồ đạc vào nhà vì hay xảy ra tình trạng mất cắp vặt. Phí điện nước cũng ở mức cao, 3300 đồng/số điện, tiền nước 100 nghìn/tháng/người. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Thanh ngập ngừng: “Mức thu nhập hiện nay tương đối ổn khi sống một mình nhưng trong tương lai khi lập gia đình, có lẽ sẽ không đáp ứng được cuộc sống. Vì vậy, chắc chắn mình sẽ học thêm nghề điện bởi nếu làm công nhân lâu dài như hiện nay thì sẽ không đủ nuôi vợ con”.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ khó nhà ở cho công nhân

    Gỡ khó nhà ở cho công nhân

    17:40, 20/05/2018

  • Nghiên cứu chế độ lương hưu đặc thù cho công nhân ngành nặng nhọc, độc hại

    Nghiên cứu chế độ lương hưu đặc thù cho công nhân ngành nặng nhọc, độc hại

    13:01, 20/05/2018

  • Chật vật lo nhà ở cho công nhân

    Chật vật lo nhà ở cho công nhân

    12:01, 20/05/2018

Không giống như Thanh, chị Vũ Thị Dung, ở Minh Tân, Thủy Nguyên, công nhân xưởng dệt tại nhà máy Tất Jasan, KCN VSIP lại khá hài lòng với mức thu nhập của mình. Chị cho biết, lương cơ bản của mỗi công nhân tại đây là 4,8-5 triệu đồng tháng, có những bộ phận công nhân thu nhập 9-10 triệu/tháng. Tháng tăng ca nhiều, lương chị có thể tăng lên 6-6,5 triệu đồng. Công ty có thêm chính sách: con nhỏ dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm, tiền thâm niên hàng năm, tiền sản lượng, công nhân tỉnh xa có kí túc xá ở...Công việc không áp lực sản lượng, chế độ đãi ngộ tốt hơn so với công ty giày da trước đây từng làm vì vậy, chị rất thích công việc hiện tại. Thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Nói đến những đồng nghiệp có bằng cấp chuyên môn cao tại công ty, chị tỏ vẻ tiếc nuối vì họ thường xin nghỉ việc vì chế độ lương, đãi ngộ cũng chỉ như công nhân. “Ở chỗ mình, có bộ phận lương quản lý không bằng công nhân. Công nhân 9,10 triệu đồng mà quản lý có khi chỉ 7,8 triệu. Có bằng Đại học, biết ngoại ngữ, cấp trợ lý, trưởng quản trở lên nhiều cái vẫn thiệt vì mức đãi ngộ cũng chỉ bằng công nhân lao động chân tay đơn thuần”.

Công nhân mua rau ở khu chợ thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão

Công nhân mua rau ở khu chợ thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão. Ảnh Minh Hương

Rõ ràng, dù mức lương đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực sự thỏa đáng và phù hợp với nhu cầu cuộc sống thực tế của người lao động, nhất là những người có chuyên môn, tay nghề.

Đút vội cho con bát cháo trước khi đến giờ đi làm ca, chị Nguyễn Thị Thùy đang làm công nhân bộ phận cắt tại công ty TNHH giày Fortune (KCN Nam Cầu Kiền) ngậm ngùi: Khi mới vào công ty, chị không trải qua quá trình đào tạo mà thử việc luôn 3 tháng với mức lương khởi điểm học việc là 3,9 triệu đồng. Những công nhân có thâm niên thì trung bình 6-8 triệu đồng/tháng tùy theo sản lượng, sản phẩm. Sau 3 tháng học nghề, lương bình quân, tính cả tăng ca của chị là 5,5-6 triệu/tháng. Chồng chị hiện đang làm công nhân tại một nhà máy sản xuất cơ khí tại KCN VSIP. Với mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Thùy phải “căn ke” lắm mới đủ chi tiêu và nuôi dưỡng 2 đứa con nhỏ. Tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, tiền gửi trẻ của con đã chiếm gần hết số tiền lương của 2 vợ chồng. Dù rất muốn đổi nghề để cải thiện thu nhập nhưng cả anh và chị đều “lăn tăn” vì trình độ chuyên môn không có, bằng cấp không cao. Chị Thùy cũng thường xuyên đổi việc nhưng cũng chỉ từ công ty giày da này sang công ty khác mà theo chị “chế độ làm việc tốt hơn” nhưng thực chất cái tốt hơn ấy cũng chỉ là thêm vài trăm ngàn thu nhập.

Có thể thấy rằng, thu nhập và nhà ở chính là những vấn đề quan tâm nhất của người lao động hiện nay tại các KCN Hải Phòng. Sự xuất hiện của các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo hàng loạt việc làm, thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Nhưng đi kèm với đó cần có những giải pháp, chính sách tốt để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra.

Minh Hương