Đưa nông sản Việt vào hệ thống bán lẻ Tập đoàn Aeon
Những năm gần đây, TP.Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản… nâng cao năng lực, định hướng chiến lược xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống bán lẻ Tập đoàn Aeon.
Báo DĐDN có cuộc PV bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến ĐT, TM, DL TP.HN (HPA) xung quanh vấn đề này.
Theo bà Mai Anh, Chương trình triển khai nhằm thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” do Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2016. Đồng thời, thực hiện ký kết hợp tác giữa TP.HN với Tập đoàn Aeon tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” thường niên trong thời gian 20 năm kể từ năm 2017.
- Tại sao TP.Hà Nội lại chọn Aeon, thay vì các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác, thưa bà?
Tập đoàn Aeon là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản và là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong, ngoài nước Nhật Bản. Tiếp nối 2 năm gần đây, năm 2019 bên cạnh việc tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam (Vietnam Goods Week) được tổ chức tại 40 điểm bán hàng của hệ thống Aeon tại Nhật Bản thì, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Hội chợ Xúc tiến Thương mại các sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Aeon HN (Hanoi Agriculture Fair 2019) tại Aeon Mall Long Biên HN.
Qua việc tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại hàng hóa Việt hàng năm vào hệ thống phân phối Aeon đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của TP.HN sang Nhật Bản tăng đáng kể, minh chứng, năm 2017 kinh ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1372 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,6%, tăng 10,7% so với năm 2016. Năm 2018 ước đạt 1850 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13%, tăng 34,8% so với năm 2017…
- Nhưng theo các doanh nghiệp nông sản Việt, trở thành nhà cung ứng cho chuỗi hệ thống Aeon Nhật Bản không phải dễ, thưa bà?
Đúng vậy, để thành nhà sản xuất của Aeon các doanh nghiệp VN cần tuân thủ 2 tiêu chuẩn gồm: tiêu chuẩn đánh giá về trách nhiệm xã hội về nhận quyền, điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn đánh giá nhà máy về trang thiết bị đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm của Aeon (nếu doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO140001 và SA8000 được miễn).
Ngoài ra, còn 13 quy tắc như: Không sử dụng lao động trẻ em từ 14 tuổi trở xuống. Không cưỡng bức, ép buộc, thúc bách, giam giữ người lao động; An toàn vệ sinh; Thiết bị phòng cháy chữa cháy, cửa thoát hiểm...?; Tự do thảo luận tự do thương lượng tập thể; Không có sự phân biệt về bối cảnh xuất thân quốc gia tuổi tác, màu da...; Không có hình thức kỷ luật ảnh hưởng đến tinh thần người lao động; Tuân thủ thời gian lao động của quốc gia đó nếu có làm thêm giờ thì phải trả thù lao xứng đáng; Phúc lợi người lao động; Trách nhiệm của lãnh đạo; Giao dịch thương mại phải thuân thủ theo luạt pháp cuả nước sở tại; Chứng nhận đánh giá; Nghiêm cấm trao nhận quà cáp…
- Trước những khó khăn như vậy, HPA có giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện khắt khe của Aeon Nhật Bản?
Để hỗ trợ doanh nghiệp VN trở thành nhà cung ứng cho 1.000 siêu thị Aeon trên toàn cầu, chúng tôi phối hợp với Tập đoàn Aeon xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại VN trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của Aeon và thị trường Nhật Bản; Phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối, tổ chức các hoạt động kết nối, đào tạo quản lý chất lượng, kỹ năng đàm phán hợp đồng…
- Xin cảm ơn bà!