Thị trường mỹ phẩm: Lỗ hổng quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người Việt ngày càng có chiều hướng gia tăng. Việt Nam cũng đang là thị trường mỹ phẩm hấp dẫn các nhà sản xuất và phân phối với hàng ngàn thương hiệu khác nhau.
Tuy nhiên thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, khiến cả người bán lẫn người mua đều hoang mang trước “mê hồn trận” các sản phẩm mỹ phẩm.
Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm đã tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm. Tuy nhiên cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng các lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng để kinh doanh chộp giật, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 Thanh tra Bộ Y tế, triển khai công tác thanh tra y tế năm 2018, Bộ Y tế cho biết năm 2017, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 8 đoàn thanh tra, trong đó có 1 đoàn thanh tra đột xuất trong trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.Theo đó, 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số 400 triệu đồng đã được ban hành; tiêu hủy 3143 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm chưa có số công bố của 5 cơ sở trị giá gần 240 triệu đồng.
Kết quả thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế đã phần nào phản ánh lên những bất cập, và lỗ hổng trong công tác quản lý thị trường mỹ phẩm. Một vấn đề bất cập hiện nay là chưa có quy định pháp lý cụ thể về kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm trên mạng xã hội (facebook, Zalo, Instagram…) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh online là rất khó khăn.
Việc xử lý đối với thông tin quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, tác dụng; quy định về kê khai giá; công bố chất lượng không ghi thành phần chính, chất chủ yếu, không ghi định tính, định lượng ... cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý, và đây là những kẻ hở để các đối tượng lợi dụng để né tránh hành vi vi phạm hàng giả về chất lượng.
Hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên người tiêu dùng khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường.
Công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, kết quả giám định của mỗi cơ quan lại khác nhau nên gây nhiều cản trở cho quá trình xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, năng lực cán bộ chuyên trách làm công tác chống hàng giả còn hạn chế...
Trong khi đó, nhận thức về pháp luật một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, mặc dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ và do thói quen thích sử dụng hàng ngoại... nên vô tình đã tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái tồn tại.
Nhằm đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng trong việc nhận biết, bảo vệ sức khỏe trong việc sử dụng mỹ phẩm cũng như chỉ ra các bất cập trong công tác quản lý, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng mỹ phẩm, của các lực lượng chức năng, cũng như các giải pháp bảo vệ uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: "Thị trường mỹ phẩm: Lỗ hổng quản lý và giải pháp từ doanh nghiệp".
Chương trình sẽ được tổ chức vào hồi 14h ngày 22/3/2018 tại Hội trường 3, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, và được tường thuật trực tuyến tại địa chỉ: www. enternews.vn.