Việt Nam có thể khởi kiện Mỹ áp thuế cá tra quá mức?
Bộ Công Thương Việt Nam và các tổ chức Hiệp hội trong nước đã có ý kiến hết sức rõ ràng khẳng định mức thuế chống bán phá giá cá tra-basa Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam tại POR 13 là không công bằng và bảo hộ cao quá mức. Việt Nam hoàn toàn có thể có những biện pháp để đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét lại một cách thỏa đáng.
Bộ Công Thương đã ra thông báo chính thức về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá theo kết quả của kỳ rà soát chính sách thương mại lần thứ 13 (POR 13) đối với việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá Tra fillet đông lạnh của Việt Nam.
Mức thuế cao bất thường
Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến hết sức rõ ràng trong thông cáo của mình rằng, đây là một kết quả không công bằng và thể hiện rõ mức độ bảo hộ cao, không phù hợp.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu và chế biến thủy sản (VASEP) cũng đã có thông cáo chính thức khẳng định rằng cách tính của DOC không phù hợp, không khách quan. "Chúng tôi cũng không hiểu vì sao có mức thuế trên trời như vậy. Tuy nhiên đó là chuyện của từng DN sẽ được tiếp tục tìm hiểu, vấn đề quan trọng hiện nay là câu chuyện chung của cả ngành cá tra và chúng tôi đang chuẩn bị thủ tục về mặt pháp lý cho vụ kiện", ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết.
Bởi, theo trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC nhưng rất tiếc DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo một vị chuyên gia chia sẻ, trên thực tế, quy trình rà soát này cũng như việc phía DOC nhiều lần áp dụng cách tính toán khác nhau, ví dụ như đột nhiên thay đổi quốc gia lựa chọn là quốc gia cơ sở, trước đây là từ Bangladesh sang Indonesia hay như lần này họ đột nhiên sử dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (AFA) trong quá trình tính toán được chuyên gia nhận định là làm cho mức thuế kết quả cuối cùng khác thường.
Do đó, Bộ Công Thương và VASEP đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Mặc dù, phía cơ quan chức năng của Hoa Kỳ chưa chính thức đưa ra thông báo này trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trao đổi với báo chí, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán Công sứ Thương mại- Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, đây là mức thuế cao một cách bất thường.
Có cơ sở…đi đến cùng
Với mức thuế cao như vậy, ông Sơn cho rằng, nếu được thực hiện sẽ trực tiếp ảnh hưởng nặng nề đối với việc xuất khẩu cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam.
Đặc biệt, theo vị Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam: “Việt Nam hoàn toàn có thể có những giải pháp, biện pháp để đề nghị phía bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại một cách thỏa đáng quyết định về mức thuế này”.
Lấy ví dụ tại lần công bố kết quả áp thuế cuối cùng của đợt rà soát lần thứ 9 (POR 9), ông Sơn cho biết, Việt Nam cũng đã đề nghị phía Hoa Kỳ phải xem xét lại, khi phía bộ Thương mại Hoa Kỳ không thể xem xét lại một cách thỏa đáng, Việt Nam đã khởi kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ USCIT.
“Kể cả trong trường hợp phán quyết cuối cùng của tòa án (thường kéo dài 3-4 năm), mà vẫn không thỏa đáng, Việt Nam thậm chí có thể khởi kiện lên đến Tòa án thương mại liên bang. Do vậy, tôi có thể nói rằng, Việt Nam vẫn có cơ sở, có quyền và trên thực tế cũng đã từng áp dựng quyền của mình để đi đến cùng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam” - ông Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm |
Trước đó, ngày 27/2 vừa qua, Việt Nam gửi hồ sơ đệ trình lên WTO về việc Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam. Trước đó 1 tháng, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Hoa Kỳ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cho rằng phương pháp quy về không (zeroing) mà Hoa Kỳ sử dụng để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam (trong đợt rà soát 5, 6 và 7) vi phạm ở hai khía cạnh, về mặt pháp lý và về mặt áp dụng quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA).
Ngoài ra, Việt Nam khiếu nại Hoa Kỳ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong ba lần liên tiếp.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Trong thời gian tới, phía Hoa Kỳ dự kiến tiếp tục áp dụng các quy định mới, trong đó có các quy định về luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, sẽ yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ cung cấp rất nhiều thông tin từ địa bàn đánh bắt, phương tiện đánh bắt cho đến quá trình đánh bắt, bảo quản, vận chuyển, xử lý và phân phối các sản phẩm trong đó có thủy sản của Việt Nam.
Do đó, các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp phải có sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cơ quan hiệp hội và kể cả các cơ quan địa phương để có thể đảm bảo được, lưu trữ được, hệ thống hóa được các thông tin đó và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ khi cần thiết.
Việc làm này không chỉ cần thiết khi phía Hoa Kỳ rà soát, xem xét mà ngay cả như trong trường hợp khi Việt Nam muốn yêu cầu họ xem xét lại, hay nói cách khác là chúng ta khiếu nại lại, thì cũng cần phải có các thông tin hết sức xác đáng, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu của phía Hoa Kỳ, lúc đó chúng ta mới có cơ sở để khẳng định rằng chúng ta đúng và bảo vệ được quyền lợi của mình.