Chuyển đổi số và 4.0 cho dân tộc Việt
Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) cảnh báo cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Vậy Việt Nam đối phó ra sao?
Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Không những Việt Nam, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang đối diện các vấn đề tương tự.
Đối diện bất ổn
Theo GS Chan Kim tác giả Đại Dương Xanh, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, công nghệ phát triển đã không làm tăng số lượng việc làm mà còn làm giảm nhu cầu về nhân lực.
Các lý do chủ yếu đó chính là quá trình áp dụng tự động hóa sâu sắc trong các ngành thâm dụng lao động trước đây như dệt may và da giày. Adidas và các tập đoàn đang có xu hướng chuyển các nhà máy gia công từ châu Á về gần thị trường của họ. Các dạng nhà máy Smart/Fast Factory với hệ thống tự động hóa cao sẽ đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường. Các chi phí tiền lương cho nhân viên cao sẽ được bù trừ bởi năng suất gia tăng, chất lượng gia tăng, thời gian đáp ứng thị trường nhanh và không tốn chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm từ châu Á về Châu Mỹ hay châu Âu.
Đối với lao động tri thức, trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ nhận dạng hình ảnh, âm thanh đã thay đổi cuộc chơi rất nhiều. Các công nghệ nói trên đã bắt đầu áp dụng trong ngân hàng với chỉ số tín dụng số nhằm đánh giá cá nhân có vay được hay không, các hệ thống bán hàng tự động với các công nghệ nhận dạng hình ảnh và âm thanh. Có thể nói nhân loại và tất cả các nước trên thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng 4.0 số hóa nhanh chóng tất cả các ngành kinh tế hay các loại hình doanh nghiệp và tổ chức. Để vượt qua thách thức này chính phủ, tổ chức doanh nghiệp và từng cá nhân cần chung tay thực hiện những phần việc cụ thể của chính mình. Quốc gia nào nhanh hơn, linh hoạt hơn và quyết đoán hơn sẽ thành công. Việt Nam cần phải áp dụng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi trên mọi cấp độ.
Bản thân người lao động cần tận dụng ưu thế của cuộc cách mạng 4.0 thông qua các chương trình đào tạo số hóa qua internet, mobile gần như miễn phí để nâng cao năng lực. Việt Nam vẫn có được lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất trong 5-10 năm tới. Lực lượng nhân lực trẻ cần nhận thức nâng cao các nền tảng nghề nghiệp như kỹ năng mềm, ngoại ngữ và đặc biệt năng lực số hóa. Năng lực số hóa chính là những kiến thức, kỹ năng làm việc với công nghệ như phần mềm quản lý, giám sát qua mobile phone...
Để tìm kiếm tương lai
Tuy vậy, các doanh nghiệp không nên mang tâm thế sợ hãi mà cần phải nhanh chóng hoàn thiện những hạ tầng căn bản và thiết yếu của doanh nghiệp như cơ cấu tổ chức, quy trình, công nghệ quản lý.
Có hai thách thức chủ yếu: Thứ nhất, tái đào tạo và phát triển nhân lực có tuổi để họ có kỹ năng số hóa đáp ứng cuộc cách mạng 4.0.
Thứ hai, làm thế nào tuyển dụng đào tạo và phát triển nhóm nhân lực trẻ 9 X và 0 X ngày càng nhiều trong doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo cho cấp quản lý cần rất tập trung vào kiến thức quản lý và hàng chục kỹ năng quản lý khác như coaching, mentoring, tối ưu hóa hiệu suất cùng với những chương trình đào tạo lãnh đạo. Mục tiêu của các chương trình này nhằm biến các lãnh đạo cấp trung mang trong mình tâm thế khởi nghiệp sẵn sàng dấn thân chiến đấu tạo giá trị cho doanh nghiệp.
Nhóm đào tạo thứ hai đó chính là lực lượng nhân viên với các chương trình đào tạo kỹ năng mềm và đặc biệt chương trình đào tạo chuyển đổi số nhân lực nhằm đáp ứng khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ. Một lần nữa, đào tạo số thông qua e- learning sẽ là giải pháp hoàn thiện giúp cho doanh nghiệp đám ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Đối với các trường đại học, cơ sở đào tạo cần chuyển hóa nhanh chóng sang đại học 4.0 nơi mà không chỉ thầy cô giáo mà còn các nhà nghiên cứu chuyên viên khoa học, các lãnh đạo cùng thiết kế bài giảng, giảng dạy và sau đó đưa sinh viên vào thực hành nhanh chóng không đợi tới 4 năm sau đại học. Quá trình giảng dạy đại học cần chuyển đổi sang dạy- thực hành- suy ngẫm và quay trở lại học. Vòng lặp liên tục này sẽ giúp cho các em sinh viên thực hành ngay khi học rút ngắn thời gian đào tạo và chỉnh sửa những vấn đề không đợi tới lúc tốt nghiệp mới chỉnh sửa thì đã muộn.
Cuối cùng nhưng quan trọng nhất chính là nhà nước với định hướng ưu tiên phát triển những ngành kinh tế nào phù hợp với 4.0 như các ngành kinh tế sáng tạo, du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh... Nhà nước và Chính phủ cũng cần đưa ra thống kê dự báo đối với nền kinh tế của Việt Nam. Ở đây vai trò của các đơn vị như VCCI vô cùng quan trọng trong việc thu thập, tổng hợp, dự báo, tham mưu và cố vấn cho chính phủ trong quá trình chuyển đổi. Chương trình thứ hai nhà nước cần thực hiện đó là kiến tạo hạ tầng cho cuộc cách mạng 4.0... Chương trình thứ ba Chính phủ cần biến mình thành... Chính phủ 4.0 và chính phủ số.
Cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số chính là cơ hội công bằng cho tất cả quốc gia trên thế giới. Đây có thể nói là cơ hội lớn cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tiến thẳng lên số hóa. Nhưng cũng chính là thách thức cho chúng ta. Câu hỏi chúng ta có vượt qua được thách thức sẽ quay trở lại chúng ta có thể vượt lên chính mình, vượt lên những suy nghĩ cũ đã tồn tại hàng chục năm hay không?