Đánh thức tiềm năng du lịch

Khắc Lãng - thực hiện 16/03/2018 08:49

Sau 4 năm tổ chức thường niên (2014 – 2017), Lễ hội Hoa Ban Điện Biên đã phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc, góp phần thu hút, xúc tiến đầu tư, liên kết du lịch… Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, ông Mùa A Sơn, P. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, để Điện Biên trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, 6 giải pháp căn cơ đang được tỉnh tập trung “khơi thông”.

Theo ông Sơn, Lễ hội Hoa Ban đã được nhân dân và du khách trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao, trở thành điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các sản phẩm du lịch của tỉnh để thu hút du khách cũng như định hình thương hiệu du lịch Điện Biên.

- Ông có nhìn nhận gì về không gian dành cho Lễ hội, sự phát triển của rừng Ban cũng như sự lưu giữ bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ sau khi Lễ hội hoa Ban trở thành hoạt động văn hóa thường niên của Điện Biên?

Không gian tổ chức các hoạt động chính của Lễ hội là khu vực Trung tâm TP.Điện Biên Phủ gắn với các di tích, công trình văn hóa, địa điểm sinh hoạt chính trị - văn hóa tiêu biểu của tỉnh như Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Quảng trường 7/5... Bên cạnh đó, các hoạt động bên lề Lễ hội như tổ chức lễ hội truyền thống các dân tộc, giao lưu văn hóa văn nghệ cộng đồng, tổ chức tham quan, du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái… cũng được đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác trong dịp này ở các địa bàn khác trong tỉnh để nhân dân, du khách có dịp trải nghiệm và khám phá.

 Lượng khách đến Điện Biên trong dịp Lễ hội Hoa Ban tăng từ 20 - 25% mỗi năm, riêng năm 2017 tăng 25%, tổng thu từ hoạt động du lịch tăng 34%. 

Để Lễ hội Hoa Ban thu hút khách du lịch, ngoài việc đổi mới các nội dung hoạt động trong Lễ hội, Điện Biên đã chủ trương phát triển rừng Ban và diện tích trồng Hoa Ban trong toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh ban hành kế hoạch trồng cây hoa ban trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, trọng tâm là trồng lồng ghép, trồng phân tán cây Hoa Ban tại các huyện, đồng thời thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cây Hoa Ban tại TP.Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; ưu tiên triển khai tại các điểm di tích lịch sử, các điểm vui chơi công cộng…

Đến cuối năm 2017, tỉnh đã trồng được 5.477 cây ban trên nhiều tuyến đường chính, qua đó đã tạo cảnh quan độc đáo và hứa hẹn thời gian tới sẽ trở thành những con đường Hoa Ban phục vụ đồng bào và du khách, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về một “Miền Hoa Ban”.

- Giàu tiềm năng, tuy nhiên, du lịch Điện Biên vẫn chưa có sự đột phá, tạo dấu ấn riêng, thưa ông?

Thực tế, những năm qua, nhiều Chương trình, Đề án, Quy hoạch phát triển du lịch đã được chính quyền và các thành phần kinh tế quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước… hầu hết di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được khôi phục và phát triển; Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn… Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan.

   Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên tham dự khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2017.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên tham dự khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2017.

Tuy nhiên, hiện tiềm năng phát triển du lịch của Điện Biên chưa được “đánh thức” bởi, kết cấu hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ chưa đồng bộ. Lượng khách đến Điện Biên chưa cao, thời gian lưu trú ngắn; hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng… Hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng thấp... Cơ chế thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa thỏa đảng; sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn yếu...

- Những hạn chế trên bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

Những hạn chế trên do Điện Biên còn nghèo, nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành chưa toàn diện, nhiều địa phương chưa coi phát triển du lịch là phát triển một ngành kinh tế quan trọng... Một số TTHC tại cửa khẩu, lối mở còn rườm rà, thiếu cơ chế và giải pháp đột phá để khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; chưa phát huy, liên kết được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế trong phát triển du lịch.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông; nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... ; Chưa thu hút được nguồn lực từ xã hội đầu tư cho du lịch. Đặc biệt, sự liên kết phát triển du lịch trong khu vực Tây Bắc, với các tỉnh trong nước và quốc tế còn chưa hiệu quả.

6 giải pháp “khơi thông” ách tắc

Năm 2018 và những năm tiếp theo, Điện Biên tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm "khơi thông" những ách tắc, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch, đưa Điện Biên trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Thứ nhất, hoàn thiện, triển khai các nội dung trong Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2025.

Thứ hai, lập Quy hoạch phân khu khu chức năng và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích các Tập đoàn, Tổng Công ty, Nhà đầu tư phát triển các dự án du lịch cao cấp tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, tăng cường giáo dục, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch trong cộng đồng dân cư; khuyến khích nhân dân tham gia vào hoạt động du lịch.

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường vốn ngân sách cho xúc tiến, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên. Xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành…huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.

Thứ năm, duy trì và đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc và các hoạt động hợp tác liên kết khác trong và ngoài nước mở rộng trên bốn lĩnh vực: xây dựng cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Thứ sáu, chú trọng bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho người lao động trong lĩnh vực du lịch, quan tâm đặc biệt đến đối tượng là người dân tộc thiểu số.

- Xin cảm ơn ông!

Khắc Lãng - thực hiện