Thanh Hóa quá tải trong xử lý chất thải sinh hoạt
Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó đối với chính quyền cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại Thanh Hóa
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 2.450 tấn/ngày đêm, trong khi đó tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình cả tỉnh mới chỉ đạt khoảng 82,5%.
Thực tế, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp; việc phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; phí thu gom, xử lý rác thải thấp... Vì vậy chưa có nhiều tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nhất là chất thải rắn.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Xí nghiệp xử lý môi trường cho biết: Công ty hàng ngày đang tiếp nhận khoảng 350 tấn rác thải của thành phố Thanh Hóa và một số vùng phụ cận. Các loại rác tập trung về Khu tập kết rác tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được xử lý theo hình thức chôn lấp và được phân loại qua. Tại đây đã chôn lấp 2 hố kể từ năm 2014 khi đưa vào xử dụng, hố thứ 3 theo kế hoạch phải hết năm 2018 mới xử lý chôn lấp nhưng đã quá tải trong 5 tháng nay. Lượng rác đưa về đã cao ngấp ngưỡng như một núi rác khổng lồ, vượt mức cho phép, ở tình trạng báo động. Với tình trạng như hiện nay công ty chúng tôi cũng đã nổ lực cố gắng xử lý hạn chế nhất có thể để không ảnh hưởng đến nhân dân vùng gần bãi rác.
Được biết, Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố Thanh Hóa và các vùng phụ cận tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn hiện đang áp dụng biện pháp chôn lấp rác thải đã lạc hậu và trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến 57ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Để khắc phục tình hình trên, vấn đề đặt ra cần sớm đẩy cao tiến độ để đưa Nhà máy xử lý chất thải hiện đại trên địa bàn vào hoạt động.
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước những khó khăn bất cập trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, việc xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt đang trở thành vấn đề cấp thiết. Cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể cơ sở, hướng dẫn các hộ dân thực hiện cách phân loại rác tại nhà, cũng như các giải pháp đồng bộ trong kêu gọi đầu tư của Thanh Hóa cũng như của các doanh nghiệp.