Thanh Hóa: 7 năm xây dựng nông thôn mới – thành tựu và thử thách
Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới, không chỉ có cơ sở vật chất đầu tư xây dựng kiên cố, công trình hiện đại. Mà còn là sự đổi thay trong tư duy sản xuất, liên kết đầu tư hướng đến NTM bền vững
Hơn 7 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa trải qua nhiều khó khăn, thử thách, song bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa có xuất phát điểm thấp về kinh tế, chưa tự cân đối được ngân sách, có hơn 80% dân số ở vùng nông thôn, có tới 11 huyện và 210 xã miền núi, trong đó có 102 xã thuộc 7 huyện nghèo. Tỉnh Thanh Hóa cũng là tỉnh không được chọn làm điểm xây dựng NTM, nhưng trên chặng đường đã qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để xây dựng thành công các tiêu chí đề ra trong xây dựng NTM.
Với quan điểm phát triển sản xuất là gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, nên ngay từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa đã đưa chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là 1 trong 5 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung chỉ đạo.
Theo đó, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã gắn việc thực hiện định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, thực hiện, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó nuôi dưỡng nguồn lực trong dân, tạo nền tảng cho việc huy động nguồn lực thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Cùng với đó, các địa phương luôn tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, huy động và phát huy tối đa nguồn nội lực bên trong để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Từ các cơ chế này, nhiều địa phương đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo mối liên kết, vừa khai thác, phát huy tối đa thế mạnh các mô hình cây, con đặc sản, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả có múi, cây lấy gỗ... có giá trị kinh tế cao. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, nên chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu.
Thành tựu rõ nhất trong quá trình thực hiện xây dựng NTM ở tỉnh Thanh Hóa là đã tạo được sự chuyển biến tích cực cho người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thay vì thụ động trong phát triển sản xuất, người dân tại nhiều địa phương đã chủ động tìm hiểu thị trường để lựa chọn và đưa các cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường vào canh tác từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Giai đoạn 2011-2017, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 1.314 mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, thu hút 41.839 hộ gia đình tham gia. Qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn, từ 11,2 triệu đồng/người năm 2011 lên 24,8 triệu đồng/người năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,69% xuống còn hơn 8,4%.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, công tác huy động vốn phục vụ xây dựng NTM những năm qua của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Sau hơn 7 năm xây dựng NTM, tổng nguồn vốn huy động được của toàn tỉnh đạt 38.569 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 1.996 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 466 tỷ đồng, còn lại là huy động từ ngân sách xã, các doanh nghiệp, đơn vị và nhân dân đóng góp.
Ngoài ra, nhiều hộ dân còn hiến đất, hiến ngày công để xây dựng NTM. Từ nguồn vốn, ngày công huy động được trong nhiều năm, toàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp, cải tạo được 8.739 km đường giao thông nông thôn, 2.126 km kênh mương, 11.100 phòng học các cấp, 200 trạm biến áp, 1.886 km đường dây hạ thế, 349 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 2.599 nhà văn hóa thôn, 288 chợ nông thôn, 448 trạm y tế, 374 trụ sở xã, hơn 50.000 công trình cấp nước sinh hoạt, xây mới, chỉnh trang gần 90.000 nhà ở dân cư. Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và ngày càng nâng cao.
Ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, để có được thành tựu trong quá trình xây dựng NTM như ngày hôm nay, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt và liên tục của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, trong đó vai trò người đứng đầu là nhân tố quyết định. Đồng thời, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tế, đặc thù từng địa phương. Ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phong trào xây dựng NTM, phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng tổ chức, thành viên của ban chỉ đạo các cấp.
Đối với các địa phương hạn chế về điều kiện nguồn lực, trong quá trình xây dựng NTM đã thực hiện đa dạng hóa việc huy động từ mọi thành phần kinh tế, nhất là huy động nội lực trong nhân dân, các doanh nghiệp. Để bảo đảm tính bền vững và giữ vững, nâng cao được các tiêu chí xây dựng NTM, bài học kinh nghiệm được rút ra là trong quá trình thực hiện nhất thiết không được nóng vội, chạy theo thành tích dẫn đến huy động quá sức dân. Bên cạnh đó, biết phát huy dân chủ và đề cao vai trò chủ thể của người dân.
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, các địa phương phải đặt người nông dân là trung tâm, chủ thể, phát huy tính dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, bảo đảm sự công khai, minh bạch từ khâu lập quy hoạch, xây dựng đề án, lộ trình, nguồn kinh phí thực hiện. Từ đó, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân trong xây dựng NTM. Đây cũng chính là “chìa khóa” tạo nên sự thành công trong quá trình xây dựng NTM ở tỉnh Thanh Hóa.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa đã thu hái được nhiều thành quả bước đầu. Khi có nhiều xã đạt chuẩn NTM, tức có sự thay đổi về lượng, thì yêu cầu sự thay đổi về chất chính là đòi hỏi từ thực tiễn để hợp quy luật phát triển. Nên chặng đường phía trước còn nhiều thử thách với nhân dân và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện đạt chuẩn NTM; 60% số xã (tương ứng 343 xã) đạt chuẩn NTM; 20 số thôn, bản miền núi (tương ứng 449 thôn, bản) đạt chuẩn NTM trở lên.