Kinh tế Việt Nam: Vượt rào để... tăng trưởng

Đại Dương 30/12/2018 05:00

Mới đây, trong cuộc làm việc với Tổ tư vấn về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới “bẫy thu nhập trung bình” và mong muốn có giải pháp để Việt Nam thoát khỏi bẫy này.

“Bẫy thu nhập trung bình” đã được nhắc tới từ 10 năm trước khi Việt Nam ra khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp. Bẫy thu nhập trung bình khi đó mới được đề cập đến như là một nguy cơ. Bởi có một nguyên lý chung là khi vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, một quốc gia rất dễ bị mắc kẹt ở mức thu nhập này. Bởi khi đó, những lợi thế của nền kinh tế có thu nhập thấp như giá nhân công rẻ, chất lượng tăng trưởng không quá nặng nề, sự dễ dãi trong tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, cơ cấu kinh tế đơn giản… không còn. Trong khi đó, những yêu cầu cao hơn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực trình độ cao và kỹ thuật - công nghệ hiện đại, sự đa dạng và đầy đủ các thị trường là cấp thiết để vươn lên nước có thu nhập cao.

p/Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng được nới rộng. (Nguồn: TCTK)

Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng được nới rộng. (Nguồn: TCTK)

Những con số đẹp

Mấy năm trước, báo cáo Việt Nam 2035 được phát hành và nêu lên một “khát vọng” đến khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 5.000 USD, vượt qua mức cao nhất của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (4.035 USD/người). Còn mới đây, khi công bố “khung chính sách phát triển Việt Nam”, Bộ KH&ĐT cùng World Bank đặt ra mốc đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 10.000. Những mục tiêu này liệu có đạt được không thì vẫn là câu chuyện của tương lai. Nhưng có mấy vấn đề cần chú ý.

Bẫy thu nhập trung bình không còn phải là nguy cơ nữa. Chỉ có một cuộc đổi mới lần thứ hai, với tính chất và quy mô tương tự như ĐỔI MỚI 1986 mới giúp Việt Nam thoát khỏi nhiều hệ lụy.

Tăng trưởng GDP Việt Nam dù có thăng trầm trong những năm gần đây, nhưng đã và đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 (6,5-7%/năm). Năm nay, GDP tăng trưởng 7,08% và Thủ tướng, Chính phủ yêu cầu có giải pháp duy trì đà tăng trưởng ấy. Tuy vậy, câu chuyện 10.000 ngày của Nhật Bản trước đây và thực tế hiện nay cho thấy, để đuổi kịp các nước xung quanh, Việt Nam cần tăng trưởng liên tục ở mức cao, ít là 10% hoặc 15% như khuyến nghị của Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng mới đây.

Mặt khác, nếu nhìn sang các nước xung quanh như Malaysia, Thái Lan, dù đã đạt mức GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD, vượt xa Việt Nam, nhưng những nước này vẫn chưa thoát khỏi nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Vậy nguy cơ Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp là hiển hiện. Bởi nếu năm 2045 GDP bình quân đầu người vẫn chỉ đạt mức 10.000 USD thì rõ ràng ngay trong mục tiêu đã tiềm ẩn nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình.

Có thể bạn quan tâm

  • 8 giải pháp trọng tâm hiện thực mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2019

    11:00, 28/12/2018

  • Tăng trưởng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua

    14:30, 27/12/2018

  • Tăng trưởng có thể vượt qua ba kịch bản?

    10:38, 26/12/2018

  • GDP Việt Nam có thể giảm 0,6% do bất lợi từ cuộc chiến Mỹ - Trung

    09:09, 12/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế"

    09:23, 28/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

    18:12, 27/12/2018

Và những rào cản hiện hữu

Cho đến nay, rõ ràng tăng trưởng của Việt Nam đang cố gắng đạt chất lượng cao hơn, các yếu tố quyết định tăng trưởng cũng được cải thiện. Nhưng một yếu tố quan trọng là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động vẫn ở mức thấp. Thủ tướng mong muốn được “hiến kế” để cải thiện vấn đề này. Nhưng theo những số liệu khả tín thì hiệu quả đầu tư - hệ số ICOR của Việt Nam vẫn còn cao hơn Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philipppin… Trong những năm qua, ICOR của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều.

Cùng với đó, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại khá cao. Nhưng sự phát triển như vũ bão của công nghệ, nhất là áp lực của CM4.0 khiến tốc độ ấy không còn nhiều ý nghĩa. Hiện cũng đang tồn tại một sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang làm việc theo hướng tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành có năng suất lao động tuyệt đối thấp sang nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn. Nhưng nhìn chung, mức năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Cuối cùng, có lẽ có một số vấn đề làm cho việc Việt Nam tăng bậc lên nhóm quốc gia có mức thu nhập cao hơn. Mấy năm gần đây, cơ cấu dân số vàng luôn được nhắc tới với lưu ý phải tận dụng nó như một lợi thế. Nhưng rõ ràng, đang có những dấu hiệu cho thấy dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa tương đối nhanh, làm xuất hiện tình trạng “chưa giàu đã già”.

Cơ cấu kinh tế sau mấy chục năm chuyển dịch tích cực, nhưng trong nhóm ngành nông nghiệp vẫn còn mang nặng tình trạng “lấy công làm lãi”. Tình trạng mà có chuyên gia cho là “gia công nô dịch” vẫn hiện hữu. Điều này thể hiện ở việc ngành công nghiệp vẫn mang nặng tính gia công, lắp ráp, với trên một nửa giá trị công nghiệp và gần 3/4 xuất khẩu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm ngành dịch vụ vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, nên năng suất và thu nhập không cao…

Bẫy thu nhập trung bình không còn là nguy cơ nữa. Chỉ có một cuộc đổi mới lần thứ hai, với tính chất và quy mô tương tự như ĐỔI MỚI 1986 mới giúp Việt Nam thoát khỏi nhiều hệ lụy.

Đại Dương