Bỏ “tấm áo chật” cho TP.HCM: Cần tăng tính tự chủ và trách nhiệm!

SÔNG HÀN 30/05/2020 11:46

Đề nghị của đại diện chính quyền TP, việc cho phép TP.HCM có cơ chế đặc thù kèm theo các quy định về việc sử dụng vốn thì chắc không phải là vấn đề khó với Quốc hội.

TP.HCM hiện tại đã đông dân và quá lớn, nhưng lại khoác lên mình một “chiếc áo” quá chật.

TP.HCM hiện tại đã đông dân và quá lớn, nhưng lại khoác lên mình một “chiếc áo” quá chật.

Mới đây, trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện một số cơ chế đặc thù trong lĩnh vực tài chính, ngân sách theo nghị quyết 54/2017/QH 14 của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận bổ sung ngân sách cho thành phố từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn năm 2019 với số tiền 6.642 tỉ đồng.

Đồng thời, TP.HCM cũng đề nghị tiếp tục áp dụng mức dư nợ vay theo nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội trong giai đoạn 2021-2025.

Lý do để UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị trên là TP.HCM đã đạt tổng thu ngân sách nhà nước 103,02% so với dự toán trong năm 2019. Dĩ nhiên, kiến nghị này của TP.HCM là hợp lý trong bối cảnh địa phương đang tăng cường tối đa hóa mọi nguồn lực để phát triển.

Năm 2017, cơ chế đặc thù cho TP.HCM được Quốc hội thông qua sau hơn một năm rưỡi thành phố bắt tay vào xây dựng đề án. Nhưng thực tế, TP.HCM  luôn cần một “chiếc áo” mới,  vừa vặn hơn về cơ chế chính sách để phát triển hơn nữa, làm đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa cho cả nước. Nên mỗi thời kỳ, giai đoạn, cần được hoạch định lại cơ chế, chính sách cho địa phương này.

Bằng chứng là, ngay từ năm 1982, Bộ Chính trị đã có nghị quyết 01, đặt mục tiêu dài hạn đưa thành phố trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và tiến tới là trung tâm của khu vực Đông Nam Á. 

Rồi từ năm 2005, TP đã lên kế hoạch cụ thể về một cơ chế đặc thù cho giai đoạn phát triển hiện nay. Và đến năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 16 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020”, cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển 

Liên quan đến vấn đề tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM có cơ hội “cất cánh”, đã có rất nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành. Nếu như Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lịch sử hơn 300 năm phát triển, về sự “trầm uất” của thành phố vì thiếu cơ chế, thì Đại biểu Đặng Thuần Phong coi đây là một cơ hội cho cả nước chứ không chỉ vì TP.HCM...

Nói cách khác, TP.HCM sẽ có diện mạo mới khi áp dụng thành công cơ chế tự chủ. Khi tự chủ về tài chính TP sẽ có tiền để đầu tư, phát triển cơ sở kỹ thuật, hạ tầng… đầu tư đường sá, giao thông, đô thị và các dự án đầu tư. Khi đó, một TP với diện mạo phát triển vững chắc, toàn diện là một điều không xa. 

Phải chấp nhận một thực tế là, chúng ta đang đi sau các nước trên thế giới gần 50 năm nên cần phải học hỏi. Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… và một trong những điều kiện để các nước trên bứt phá chính là xứ người đã áp dụng cơ chế từ lâu và họ đã thành công.

Thế nên, với TP.HCM, việc ban hành cơ chế để có nhiều tiền chỉ là điều kiện tốt để có nền tảng, tiềm lực đầu tư, phát triển. Còn vấn đề cốt yếu phải là việc sử dụng đồng tiền ấy có hiệu quả, có sinh lợi hay không. 

Nhớ lời của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước?… Tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực, người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra lực lượng của cải vật chất và tôi lấy cái đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên. Còn nguồn lực đó chia nhỏ ra thì tất cả nắm tay nhau cứ đi ngang, cùng nghèo và rất chậm để có người khá, người giàu”.

Có thể nói, với đề nghị của đại diện chính quyền TP, việc cho phép TP.HCM có cơ chế đặc thù kèm theo các quy định về việc sử dụng vốn thì chắc không phải là vấn đề khó với Quốc hội. Vấn đề cốt lõi là cơ chế mới phải kèm theo đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi để có thể tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân sự, kèm theo đó là tăng trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn thu - nguồn vốn.

Tức là, việc sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước luôn phải đảm bảo hiệu quả, hay nói cách khác là việc TP.HCM sử dụng “vốn mồi” này “mồi” đúng chỗ, đúng thời điểm là yếu tố quyết định, tạo đòn bẩy mạnh hơn, thu hút được vốn xã hội hóa lớn hơn cho TP.HCM phát triển.

Thiết nghĩ, TP.HCM hiện tại đã đông dân và quá lớn, nhưng lại khoác lên mình một “chiếc áo” quá chật. Quốc hội  đã ban hành những cơ chế đặc thù cho địa phương là cần thiết và kịp thời. Nhưng, một khi đã ban hành thì nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Cho cái này lấy lại cái kia, như vậy hẹp hòi quá”.

Vì thế, chúng ta cần phải tạo mọi điều kiện để TP.HCM có cơ hội lấy lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông” - một thời là niềm tự hào của người Việt.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM phấn đấu đi đầu thực hiện nhiệm vụ "kép”

    20:58, 29/05/2020

  • Từ công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng: Cần sớm bỏ “tấm áo chật” cho TP HCM

    05:00, 28/05/2020

  • TP HCM không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển mạnh mẽ!

    11:35, 30/04/2020

  • Vì sao TP.HCM không áp dụng chính sách đặc thù để đầu tư hạ tầng giao thông?

    05:30, 29/05/2020

  • TP.HCM điều chỉnh quy hoạch 3 khu vực ở Khu đô thị sáng tạo phía Đông

    09:16, 25/05/2020

SÔNG HÀN