Khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp
Nghị định 52/2021/NĐ-CP là kết quả của các thỏa luận mang tính đồng thuận cao của các thành viên Chính phủ trong phiên họp đầu tiên hồi giữa tháng này.
Tháng 4/2021, trong nỗ lực tiếp nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Nghị định này là kết quả của các thỏa luận mang tính đồng thuận cao của các thành viên Chính phủ trong phiên họp đầu tiên hồi giữa tháng này.
Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do là gia hạn thời gian nộp thuế nên số thu ngân sách của năm 2021 không giảm do người nộp thuế phải thực hiện nộp vào ngân sách vào cuối năm 2021.
Như vậy, đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Trong những năm tới, những hỗ trợ tương tự từ phía Chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng để giúp doanh nghiệp mau chóng phục hồi. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc hỗ trợ thì ổn định môi trường chính sách, không tăng thuế hoặc ra những sắc thuế mới cũng cần được tiếp tục duy trì.
Bức tranh toàn cảnh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn rất khó khăn. Trong Quý 1 năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 40.323, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 23.837, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 11.283, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại là 5.203 doanh nghiệp.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn lên tới 80.646, vượt xa so với số doanh nghiệp thành lập mới là 29.300 và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.738.
Bên cạnh đó, theo khảo sát nhanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 350 doanh nghiệp tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng cho thấy, có 85% doanh nghiệp trả lời dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sức khỏe của doanh nghiệp, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tương đồng với một báo cáo mang tên “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố mới đây. Theo báo cáo này,cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, 87,2% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Có tới 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.
Ngoài ra, trong số 1.564 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được VCCI khảo sát, gần 88% số đó chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, 22% cho biết họ phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm, số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính cho rằng, động thái miễn giảm thuế là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.
Những lát cắt
Dịch Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa là điều không thể bàn cãi. Thế nhưng, những doanh nghiệp còn trụ lại được sau một năm bị bão Covid “hoành hành” cũng đang chật vật hồi phục và đầy lo lắng khi nhìn về tương lai. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam, chuyên phân phối thời trang cao cấp, đã thay đổi rất nhiều cả về sản phẩm và cách bán hàng cho hợp thời Covid. Dù vẫn hoạt động và có cửa hàng giữ được doanh thu như năm 2019 nhưng lãnh đạo K&G vẫn băn khoăn liệu có thực sự khỏe để tiếp tục sống sót nếu Covid - 19 hay điều gì đó khủng khiếp hơn tái diễn.
Hay như ngành hàng đồ uống, tiêu dùng nhanh, theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, cũng bị tác động rất mạnh. Có tới 85% doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến việc phân phối, logistics vì nhu cầu thực phẩm thiết yếu, đóng gói tăng cao nhưng lượng hàng lưu kho không đủ. Đến khi doanh nghiệp phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường thì lại rơi vào tình trạng hàng loạt nhà hàng đóng cửa, tất cả những lỗ hổng trên dẫn đến hậu quả là mức tiêu thụ đồ uống bị sụt giảm nghiêm trọng. “Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu của ngành thực phẩm và đồ uống, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự”, báo cáo nhận định.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen Việt Nam, riêng với ngành nước giải khát, tổng sản lượng tiêu thụ của năm 2020 giảm 10% so với năm 2019, là mức giảm sâu nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, tác động tới nhiều ngành nghề liên quan cũng như hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng.
Định hình khung hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những tác động của dịch Covid-19 đến cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định bên cạnh việc tiếp tục đưa ra những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp thì việc ổn định môi trường chính sách, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới trong thời gian tới là điều cần tiếp tục được thực hiện.
Nhận xét về nỗ lực của Chính phủ trong hỗ trợ về thuế với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Thomas Mc. Clelland cho rằng, các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua là hết sức tích cực. Đồng thời, những chính sách như giãn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được khấu trừ thuế đối với các khoản chi cho Covid-19, tăng giảm trừ người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân... vẫn cần được xem xét và triển khai ít nhất đến hết 2021 để "khoan sức doanh nghiệp".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, ngoài những gói hỗ trợ doanh nghiệp ra thì việc ổn định môi trường chính sách trong thời điểm này là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp tiên liệu được. Ông nói: “Không tăng thuế, không ban hành thêm những sắc thuế mới là rất quan trọng để không làm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp”.
“Các doanh nghiệp còn tồn tại đến giờ này cũng đã thấm mệt. Vì thế, cần khoan sức doanh nghiệp như chúng ta hay nói, khoan sức dân”, ông Thiên chia sẻ thêm.