Sau Micro Dragon đến Nano Dragon sẽ rời bệ phóng

Nguyễn Long 22/01/2019 10:00

Sau thành công của vệ tinh MicroDragon do các nhà khoa học, các kỹ sư người Việt thiết kế, chế tạo, tiếp đến vệ tinh Nano Dragon cũng sẽ sớm được phóng vào vũ trụ.

Vệ tinh Micro Dragon của Viêt Nam vừa được phóng thành công

Vệ tinh Micro Dragon của Viêt Nam vừa được phóng thành công

Với việc vệ tinh Micro Dragon truyền tín hiệu được về Trái Đất đã đánh dấu bước tiến lớn trong hành trình Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh, hiện thực ước mơ chinh phục không gian.

Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, sau MicroDragon, vệ tinh NanoDragon đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC. Vệ tinh này dự kiến được phóng lên vũ trụ vào năm 2020 hoặc 2021, phụ thuộc vào lịch phóng tên lửa của Nhật.

NanoDragon trọng lượng dưới 10kg, có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của Đề tài Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano thuộc Chương trình KH-CN cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020. 

Có thể bạn quan tâm

  • Vệ tinh made by Vietnam sắp phóng lên vũ trụ

    04:37, 03/01/2019

  • Việt Nam dần làm chủ công nghệ vệ tinh

    04:00, 28/10/2018

Theo lộ trình phát triển vệ tinh, sau NanoDragon, Việt Nam tiếp tục chế tạo các vệ tinh Lotusat-1 và Lotusat-2 với khối lượng 500 kg. Nếu hoàn thành lộ trình thì Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước đứng đầu khu vực về lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Trước đó, tháng 8/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) bay vào vũ trụ trên tàu vận tải HTV4 từ bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản. Vệ tinh được chế tạo với mục tiêu phục vụ đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước tiếp cận quy trình thiết kế, chế tạo, tích hợp, và thử nghiệm vệ tinh.

Lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, vào đầu năm 2020, trung tâm sẽ tiếp tục phóng lên không gian vệ tinh thứ 3 với tên gọi NanoDragon. Nhiệm vụ của vệ tinh này là tiến hành nhận dạng tự động tàu thủy thông qua hệ thống nhận diện tự động AIS (Automatically Identification System). Để làm được điều này, NanoDragon được tích hợp một bộ cảm biến giúp thu nhận tín hiệu của các phương tiện đang đi lại trên biển, qua đó, người điều khiển biết được tình hình các phương tiện đang di chuyển trên biển theo thời gian thực.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đang phát triển một lớp vệ tinh khác với tên LOTUSat. Lớp vệ tinh này sẽ gồm 2 vệ tinh là LOTUSat-1 và LOTUSat-2. Nếu như PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon đều sử dụng camera quang học và có nhược điểm là không chụp được vào buổi tối cũng như trong điều kiện thời tiết có mây mù, thì LOTUSat dùng công nghệ radar. Như vậy, vệ tinh có thể chụp được ảnh cả ban ngày, ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Việt Nam nằm trong khu vực có lượng mây bao phủ lớn. Do đó, việc kết hợp giữa ống kính quang học của nhóm vệ tinh trên và công nghệ radar của LOTUSat sẽ giúp mang lại nhiều thông tin chính xác hơn. PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) khẳng định: Vệ tinh LOTUSat-2 sẽ được lắp ráp, thiết kế hoàn toàn tại Việt Nam và phóng lên vào năm 2022, chính thức đánh dấu mốc Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ chế tạo vệ tinh.

Trên quỹ đạo hiện có khoảng 1.100 vệ tinh viễn thám và hơn 100 vệ tinh viễn thông, trong đó, Việt Nam có 3 vệ tinh. Như vậy, mục tiêu hiện thực hóa lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam là hoàn toàn khả thi. 

Nguyễn Long