Chuyển đổi số từ đâu?
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp đang là câu chuyện “sống còn” tại thời điểm này.
Nó không cho phép doanh nghiệp lựa chọn có chuyển đổi hay không, thậm chí không dành thời gian cho người ta “xem xét và học hỏi”. Đối với các doanh nghiệp và tổ chức, hiểu một cách đơn giản nhất thì cuộc CMCN 4.0 về cơ bản là làm tăng năng suất lao động một cách đột biến, dựa trên nền tảng của các công nghệ mới. Đó cũng chính là “đầu bài” đặt ra đối với quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu, lộ trình như thế nào… cùng rất nhiều câu hỏi khác đang được đặt ra, khiến đại đa số doanh nghiệp loay hoay tìm lời giải đáp hoặc “nhìn quanh” tìm mô hình phù hợp.
Chuyển đổi số không chỉ là “đầu tư cho công nghệ”
Ngay những ngày đầu năm 2019, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) đã công bố khởi động Dự án triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp SAP S/4 HANA cho Công ty Nanoco SAP, một trong những nhà phân phối thiết bị điện hàng đầu Việt Nam. Các phân hệ trong đó bao gồm: Kế toán tài chính (FI), Kế toán quản trị (CO), Quản lý mua hàng và kho (MM), Quản lý kho chi tiết (WM)... đồng thời tích hợp với các hệ thống như: hậu cần (logistic), mã vạch (barcode), ngân hàng (banking). Dự kiến, hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2019.
Đại diện Nanoco cho biết, việc đầu tư cho CNTT đã được doanh nghiệp này thực hiện từ 10 năm trước, với việc triển khai ứng dụng SAP B1, nhờ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và góp phần mang lại mức tăng trưởng 25%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, câu chuyện không chỉ còn là một vài phần mềm và ứng dụng đơn lẻ, mà đòi hỏi tư duy tổng thể cùng sự kết nối liên thông các dữ liệu trong doanh nghiệp, giúp người quản lý có thể truy xuất dữ liệu, đưa ra những quyết định theo thời gian thực… Bên cạnh đó, hệ thống này còn hỗ trợ nhiều ứng dụng cho các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi mô hình sản xuất – kinh doanh truyền thống sang mô hình “doanh nghiệp số”, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…
Như mọi khi, giá trị thương vụ không được tiết lộ. Đáng nói là, dù số tiền đó là bao nhiêu, nó cũng dễ dàng “lọt thỏm” trong ngân sách đầu tư máy móc thiết bị mới, hay thay đổi dây chuyền công nghệ… của đa số các doanh nghiệp cùng quy mô, song giá trị mang lại thì vô cùng to lớn, không chỉ tác động lên doanh thu mà còn có thể “phản ánh” trực tiếp sức khỏe và năng lực cạnh tranh của họ.
Theo các chuyên gia, một điểm “chí tử” trong tầm nhìn về chuyển đổi số chính là sự thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, những người ra quyết định phân bổ nguồn lực cho doanh nghiệp.
Minh chứng điều này, tại hội thảo “Ứng dụng CNTT 4.0 trong đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp”, ông Trương Gia Bình với vai trò diễn giả đã chia sẻ về trường hợp Tập đoàn Dupont - một trong rất ít tổ chức lớn chuyển đổi số thành công.
Bước đi đầu tiên của Dupont chính là thay đổi tổ chức cấp cao, thành lập các vị trí chuyên trách về chuyển đổi số. Cùng đó, họ thực hiện các cuộc khảo sát dưới nhiều hình thức, các cuộc hội thảo với nhiều đơn vị liên quan để tìm ra các vấn đề của tổ chức, cũng như những điểm cần “công phá” đầu tiên. Kết quả, đã có 9.000 vấn đề được đưa ra, trong đó có tới 7.000 vấn đề được cho là cần phải giải quyết ngay, và cuối cùng là 900 đề án để cả Tập đoàn cùng bắt tay hành động.
Hành trình luôn trong trạng thái tiếp diễn
Theo một khảo sát được thực hiện với hơn 2.000 giám đốc điều hành trên toàn cầu do Russell Reynolds Associates công bố, có 5 ngành được cho là chịu tác động lớn nhất của công cuộc chuyển đổi số là: Truyền thông, Viễn thông, Tài chính, Bán lẻ, Công nghệ.
“Chiếu” theo khảo sát này, có thể thấy tại Việt Nam, các khối Viễn thông, Tài chính – Ngân hàng và Bán lẻ đã có những bước đi đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số, trong khi các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất thì phần lớn vẫn ở mức đầu tư cho ứng dụng CNTT, đẩy mạnh tự động hóa.
Từ góc độ cá nhân, ông Đào Trung Thành - Giám đốc kỹ thuật Media Venture Vietnam Group nhận định: “Ở Việt Nam, ngành viễn thông đang tích cực nhất. Các doanh nghiệp lớn đã có lộ trình chuyển đổi số sẵn sàng. Kế đến là tài chính, các ngân hàng giờ có phần mềm lõi khá tốt. Họ còn kết hợp với Fintech và nghiên cứu dùng Blockchain. Ngành truyền thông chuyển đổi số cũng nhiều còn bán lẻ có phần ít hơn".
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, ngay cả trên thế giới cũng chỉ có rất ít những doanh nghiệp thực sự chuyển đổi số và thành công. Cũng theo ông, đây là cả một hành trình dài sẽ còn tiếp nối chứ không dừng lại sau mốc “thành công” đó.
Cũng theo ông Bình, các doanh nghiệp Việt Nam đừng “ngần ngại” về sự tốn kém khi đầu tư cho chuyển đổi số. “Nó không hề tốn kém nếu chúng ta làm đúng. Công nghệ đã nắm trong tay, việc chúng ta phải làm nhắm tới mục đích tăng đột biến năng suất lao động để tìm ra đúng vấn đề cần phải giải quyết”, ông Bình nói.
Với cách tiếp cận này, các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt nên bắt đầu với việc mổ xẻ các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, tìm ra những “điểm nghẽn” để đưa công nghệ vào quy trình vận hành, tối ưu hóa các khâu và chuyển đổi dần từng bước.
Hiện, theo thống kê của Microsoft, Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp cần chuyển đổi số, đây chỉ là con số đầu tiên trong hơn 15 triệu doanh nghiệp có nhu cầu - và đó không chỉ là câu chuyện của tương lai.