“Lợi bất cập hại” với MyGo?
Hệ sinh thái của Viettel tưởng là lợi thế của MyGo, nhưng thực tế, ngược lại, chính là khó khăn cho hãng xe công nghệ này.
Trong bản tin mới đây của mình, SSI Research dẫn thông tin từ ban lãnh đạo của Viettel Post cho biết, chi phí trong cả quý 3 của MyGo chưa đến 1 tỷ đồng.
Đây là con số tương phản so với Grab hay Be, Go-V khi mà những nền tảng này đang chi lớn, sẵn sàng chịu mức lỗ lên đến vài tỷ đồng mỗi ngày. Cụ thể, năm 2018, Grab lỗ hơn 900 tỷ đồng; Go-Viet trong 4 tháng hoạt động đã lỗ 550 tỷ đồng hay Be Group chỉ trong 1 tháng hoạt động cũng lỗ 88 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia marketing từng cho rằng, cuộc đua trên thị trường xe công nghệ là cuộc chạy đua về vốn và công nghệ. Tuy nhiên, xét về vốn, ngay từ khi ra mắt MyGo và trang thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post đã tuyên bố sẽ không chạy đua đốt tiền với các ông lớn để thu hút khách hàng và phát triển các ứng dụng.
Xét về công nghệ, như chia sẻ của Tổng giám đốc Viettel Post - Trần Trung Hưng: “Chúng tôi đang chủ yếu tập trung về hạ tầng, hoàn thiện về công nghệ, trải nghiệm khách hàng và đây mới là lợi thế của MyGo, của Viettel Post.
Có thể bạn quan tâm
Được - mất với Mygo và Vỏ sò
11:06, 03/07/2019
Bộ Giao thông Vận tải "yêu cầu" MyGo tuân thủ đúng quy định
22:16, 01/07/2019
MyGo đấu với Grab, Go-Viet
11:38, 20/06/2019
Viettel Post cho biết, tính đến tháng 8/2019 - tức sau 2 tháng kể từ khi ứng dụng MyGo chính thức ra mắt, nền tảng này đã có 120.000 tài xế đăng ký. Trong đó, 80% tài khoản có hoạt động.
Con số này không quá bất ngờ khi mà ngay thời điểm ra mắt, Viettel Post công bố MyGo đã có 106.000 đối tác cài đặt ứng dụng, trong đó có tới gần 98.000 đối tác xe máy. Đây là con số đáng kể so với 200.000 tài xế của Grab và 30.000 của Be.
Tuy nhiên, có thể nói dấu ấn về thương hiệu MyGo đến thời điểm này còn rất mờ nhạt. Trên thị trường chưa thấy một chiến lược marketing nào rầm rộ, ngoài thời điểm công bố gia nhập hồi đầu tháng 7/2019.
Cũng có thể, sự mờ nhạt này đến từ 2 khó khăn như chính sự nhìn nhận của ông Hưng. Khó khăn thứ nhất là dịch vụ xã hội. Viettel là thương hiệu “quốc dân” nên nó sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu rất nhiều. Vì vậy, họ phải thận trọng; Khó khăn thứ hai là thị trường Viettel Post cung cấp dịch vụ rất rộng, toàn quốc, do đó diện rộng cũng làm cho việc kiểm soát thái độ, hành vi sẽ khó khăn chứ không hề dễ. Hai điều này tưởng là lợi thế nhưng lại là khó khăn cho chính Viettel Post.