Facebook, Google, Amazon... đã chứng minh dầu mỏ không còn là tài nguyên số 1
Không phải dầu mỏ, Đại chiến thế giới lần thứ 3 có thể sẽ xảy ra vì nguồn tài nguyên mới: đó là thông tin.
Giá dầu hiện nay đã qua thời kỳ hoàng kim do sự bùng nổ của ngành khai thác dầu đá phiến, nhu cầu từ Trung Quốc giảm mạnh còn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thì không chịu cắt giảm thêm sản lượng.
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính khiến loại vàng đen này mất giá trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, sự trỗi dậy của một loại tài nguyên khác mới là yếu tố chính khiến dầu mỏ giảm sức hút, đó là thông tin.
Hiện nay, 5 tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường là Alphabet (Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft vẫn đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Tổng mức doanh thu của cả 5 công ty này trong vào khoảng 800 tỷ USD/năm, cao hơn cả tổng GDP của cả nền kinh tế Ả Rập Xê Út cộng lại (684 tỷ USD).
Ngày nay, hiếm có người nào có thể sống thiếu công cụ tìm kiếm của Google hay việc tương tác trên Facebook. Trong khi đó, thương mại điện tử giờ trở thành xu thế đe dọa ngành bán lẻ truyền thống.
Dù là những hãng lớn nhưng các công ty công nghệ không áp dụng các phương pháp độc quyền ngớ ngẩn như những tập đoàn dầu mỏ. Người sử dụng được tự do dùng dịch vụ và thậm chí là miễn phí. Bất kỳ công ty nào cũng có thể gia nhập thị trường này miễn là họ đủ mạnh và sáng tạo.
Thú vị hơn, thậm chí nhiều hãng đi sau lại vượt người đi trước bởi những ý tưởng độc đáo cũng như nắm bắt chính xác xu thế của người tiêu dùng.
Dữ liệu giáo vs Dầu mỏ hội
Theo tờ Economist, nếu coi những nhà máy lọc dầu không khác gì một nhà thờ với đầy quyền lực thì những trung tâm dữ liệu cũng chả kém một ngôi đền là bao với những tòa nhà màu xám không có khung cửa số với đống máy móc đồ sộ.
Tuy nhiên, cả dữ liệu giáo lẫn dầu mỏ hội đều phải dùng chung 1 thứ: đó là các đường ống. Trong khi khai thác dầu mỏ cần đường ống dẫn dầu, ống khoan... thì dữ liệu giáo cần những đường ống làm mát mảy chủ, đường ống dữ liệu, dây dẫn các loại.
Cả 2 loại tài nguyên này đều được con người khai thác và sử dụng để phục vụ nền kinh tế thế giới. Dầu mỏ dùng cho sản xuất nhựa, xăng xe, các loại thuốc... còn dữ liệu được dùng cho dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử...
Dẫu vậy, có lẽ dầu mỏ hội đã qua thời hoàng kim khi công nghệ dầu đá phiến cũng những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường tác động đến con người.
Giờ đây, dữ liệu giáo đang phát triển tương tự như dầu mỏ giáo khi loại tài nguyên này mới bước đầu phát triển và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Những dòng chảy thông tin tạo nên các cơ sở hạ tầng mới, thương vụ mới, chế độ mới và thậm chí là cả nền kinh tế mới.
Khác với bất kỳ loại tài nguyên nào, dữ liệu thông tin được khai thác, sàng lọc, đánh giá và mua bán theo cách rất khác, qua đó khiến thị trường và luật chơi buộc phải thay đổi để thích nghi với môi trường mới.
Ngày nay, rất nhiều cuộc chiến thương mại diễn ra, thậm chí là xung đột chính trị bùng nổ chỉ vì quyền sở hữu thông tin, số liệu. Nếu nói cuộc tấn công của virus WannaCry mới đây là một cuộc chiến thì rõ ràng các cá nhân, tổ chức, quốc gia phát động trận đánh này đã có đòn phủ đầu khi chiếm quyền sở hữu thông tin và ép nhiều người phải bỏ tiền chuộc.
Số liệu của hãng nghiên cứu IDC cho thấy thế giới sẽ dần trở thành vương quốc của thông tin và dòng số liệu sẽ đạt tới 180 zettabytes (180 và 21 số 0) vào năm 2025. Chúng ta sẽ phải tốn tới 450 triệu năm để có thể truyền tải hết lượng số liệu này qua đường Internet không dây.
Thậm chí để đẩy nhanh tốc độ truyền dữ liệu đến máy chủ điện toán đám mây, Amazon đã phải thuê những con tàu chở bộ nhớ với dung lượng 100 petabytes (100 và 15 số 0) vượt biển.
Tất nhiên, những tập đoàn lớn đều nhận ra tiềm năng và tương lai thống trị của dữ liệu giáo. Năm 2016, 3 hãng lớn là Amazon, Alphabet và Microsoft đã đầu tư tới 32 tỷ USD cho nâng cấp dòng dữ liệu, tăng 22% so với năm trước đó.
Chất lượng của những dòng dữ liệu đã không còn nặng về bản quyền như trước. Giờ đây, các tập đoàn khai thác thông tin chủ yếu dựa trên phân tích dòng số liệu thời gian thực, tập hợp thông tin chưa phân loại từ người dùng, mạng xã hội hay những thiết bị công nghệ khác để xây dựng những kho thông tin mà họ cần.
Trong tương lai không xa, khi nhưng cảm biến, thiết bị di động dần trở nên phổ biến, thông tin và số liệu sẽ thay thế dầu mỏ thống trị thế giới và các tập đoàn công nghệ sẽ trở thành những ông lớn ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
Kỷ nguyên của thông tin
Chất lượng dòng thông tin ngày nay đang ngày càng được hoàn thiện. Trước đây, Facebook và Google đã dùng những thông tin của người dùng nhằm nâng cao chất lượng quảng cáo và thu lời. Tuy nhiên hiện nay họ đã nhận ra mình có thể sử dụng dòng thông tin này để xây dựng nhiều thứ hơn như những dự án trí thông minh nhân tạo hay các ứng dụng nhận dạng thông minh, hệ thống dịch ngôn ngữ tự động, công nghệ thực tế ảo... Tất cả những thông tin hữu ích này có thể được bán cho các công ty đang phát triển sản phẩm để thu lời.
Dữ liệu giáo đã phát triển từ lâu nhưng trên thực tế chúng mới chỉ bộc lộ tiềm năng thống trị thế giới trong vài năm trở lại đây. Điều thú vị là chính sự tương tác của người dùng đã làm gia tăng sức mạnh cho dữ liệu giáo. Chính việc mọi người tương tác trên mạng xã hội khiến Facebook cải thiện được khả năng định vị quảng cáo cũng như đánh giá được đối tượng khách hàng để nâng cấp. Trong khi đó, ngày càng nhiều người sử dụng công cụ tìm kiếm Google khiến ứng dụng này cải thiện được độ chính xác cao hơn.
Những tập đoàn công nghệ lớn không tìm kiếm những thông tin mới, họ tạo ra thuật toán để học tập thói quen người dùng và tự nâng cấp. Điều này giải thích tại sao những bức ảnh chúng ta tải lên Facebook lại có chế độ tự động gắn tên ngày càng chính xác đến như vậy, còn Google dường như ngày càng hiểu chúng ta cần tìm gì.
Hãy quay sang một công ty khác là Uber, tại sao bạn nghĩ nó đáng giá tới 68 tỷ USD? Đơn giản bởi công ty này sở hữu một lượng lớn số liệu của cả người lái xe lần những người muốn đi xe và điều này mới làm nên giá trị của công ty.
Thế còn Tesla, bạn nghĩ rằng đây chỉ là công ty sản xuất xe điện đơn thuần ư? Tỷ phú Elon Musk không ngốc đến như vậy bởi công ty của ông đã thu thập tới 1,3 tỷ dặm số liệu lái xe và sử dụng chúng cho công nghệ lái tự động. Rõ ràng, người đàn ông nổi tiếng trong giới công nghệ này cũng hiểu được thời hoàng kim của dữ liệu giáo sắp đến.
Giá bao nhiêu cho một đơn vị dữ liệu?
Cũng tương tự như trong thị trường dầu mỏ, những tập đoàn sở hữu số liệu lớn mua lại những công ty nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu dầu thô là loại tài nguyên được giao dịch nhiều nhất thế giới dựa trên giá trị thì ngược lại số liệu thô lại ít được dùng để buôn bán rộng rãi công khai trên một sàn giao dịch chính thức.
Hầu hết các công ty công nghệ ngày nay thích sử dụng dữ liệu cho riêng họ hơn là mua bán công khai trên thị trường. Họ có thể đăng ký mua báo cáo đã tổng hợp chứ hiếm khi mua những gói số liệu thô. Nguyên nhân đầu tiên cho cách làm này là chúng đem lại lợi nhuận nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu muốn công khai buôn bán dữ liệu thì thị trường cũng khó định giá bởi nhu cầu và phân loại số liệu rất khác nhau. Điều này hoàn toàn khác biệt so với dầu mỏ khi nhà đầu tư có thể định giá dễ dàng mỗi thùng dầu dù phân loại chúng theo xuất xứ hoặc vị trí khai thác.
Hiện nay, nhiều chuyên gia đã cố gắng tìm hiểu và phân tích thị trường mua bán dữ liệu với khái niệm “Infonomic”. Ví dụ như năm 2015, hãng cá độ Caesars Entertainment nộp đơn phá sản và chính dữ liệu của hơn 45 triệu khách hàng là khối tài sản lớn nhất của hãng được bán đi với giá 1 tỷ USD.
Cũng vào năm 2015, IBM mua lại Weather Company với giá 2 tỷ USD để có thể tiếp cận khối dữ liệu khổng lồ về thời tiết của hãng này.
Bên cạnh đó, thông tin có thể được sao chép và sử dụng ngoài mục địch mua bán ban đầu và điều này càng làm khó cho những người muốn định giá số liệu hay thành lập một sàn giao dịch cho chúng.
Trên thực tế, những dòng số liệu miễn phí không hoàn toàn tốt. Các công ty công nghệ hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào dòng dữ liệu miễn phí và quên mất rằng chỉ khi số liệu được định giá và trả tiền, những thông tin hữu ích mới được xây dựng.
Tương tự như trên thị trường dầu mỏ, chỉ khi các công ty đồng ý trả tiền cho các sản phẩm sau dầu mỏ thì những nhà máy lọc dầu mới có lợi nhuận hoạt động, bằng không thế giới sẽ chỉ có dầu thô và không dùng được trong nhiều ngành.
Chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ nổ ra vì dữ liệu giáo?
Năm 1911, Tòa án Mỹ đã ra quyết định chia tách hãng lọc dầu Standard Oil hiện đang kiểm soát 90% thị trường trong nước nhằm chống độc quyền.
Hiện nay, với sự vươn mình mạnh mẽ của dữ liệu và công nghệ, nhiều nước trên thế giới cũng đang dè chừng trước các hợp đồng mua bán sáp nhập khủng. Thương vụ Facebook sáp nhập với WhatsApp đã thu hút sự chú ý của dư luận Châu Âu dù vẫn được thông qua. Nhiều người lo ngại sự mở rộng của Facebook sẽ đe dọa đến khả năng phát triển của các hãng công nghệ mới sau này.
Năm 2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành luật bảo vệ thông tin chung (GDPR) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2018, qua đó buộc các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho phép khách hàng cung cấp thông tin dễ hơn cho đối thủ nếu họ muốn. Nói cách khác thông tin người dùng của hãng Apple sẽ phải cung cấp cho Microsoft nếu khách hàng chấp nhận điều đó.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Châu Âu cũng khá lo ngại về vấn đề phân phối thông tin. Giờ đây khi dữ liệu của khách hàng tương đương với lợi nhuận của nhiều công ty thì việc để lộ thông tin ngoài ý muốn là điều không thế chấp nhận tại Châu Âu. Bởi vậy bộ luật GDPR cũng siết chặt quản lý cách sử dụng thông tin cá nhân khách hàng của công ty. Mức phạt cho việc làm rò rỉ số liệu hoặc sử dụng sai mục đích có thể lên tới 4% tổng doanh thu toàn cầu của hãng đó.
Có thể bạn quan tâm
Những mạng xã hội nào dùng token giống Lotus?
06:00, 18/09/2019
Ôtô giá rẻ dùng ghế nỉ, có cần nâng cấp lên ghế da?
19:39, 17/09/2019
Bất chấp xe nhập rẻ, ưu đãi bỏ ngỏ, ô tô nội vẫn quyết chiến
16:20, 17/09/2019
Cuộc chiến sedan hạng B - nghịch lý giá rẻ chưa chắc bán chạy
14:25, 17/09/2019
‘Lác mắt’ trước dàn xe Toyota biển số siêu đẹp
11:21, 17/09/2019
Thêm vào đó, việc mất cân bằng phân phối dữ liệu đang diễn ra nghiêm trọng trên thế giới khi Mỹ có quá nhiều tập đoàn kiểm soát nguồn tài nguyên này, từ Facebook, Google cho đến Amazon. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang vươn lên với Alibaba nhưng nước này vẫn đòi hỏi các tập đoàn công nghệ phải chia sẻ loại tài nguyên này bằng cách đặt máy chủ hoặc kho dữ liệu trên đất nước họ.
Với vị thế ngày càng tăng của dòng thông tin, xung đột về lợi ích tài nguyên số liệu trong tương lai sẽ ngày càng căng thẳng và những cuộc chiến trong các thập niên tới có thể sẽ không xoay xung quanh dầu mỏ mà nhắm vào việc ai có quyền thu thập dữ liệu.
Vậy phải chăng Đại chiến thế giới lần thứ 3 sẽ xảy ra vì một cuộc cạnh tranh tài nguyên thông tin?