Đột phá mới: Phủ sóng internet bằng “tháp bay”
Một kế hoạch phủ sóng internet táo bạo mang tên Telelift được đánh giá cao lại đến từ Spooky Action - một công ty mới khởi nghiệp của Mỹ.
Nhiều năm trở lại đây, hai “ông lớn” công nghệ là Google và Facebook đã tìm cách để đưa mạng internet tới hàng tỷ người chưa được tiếp cận, kết nối mạng ổn định. Nhưng mới đây, một kế hoạch phủ sóng internet táo bạo mang tên Telelift được đánh giá cao lại đến từ Spooky Action - một công ty mới khởi nghiệp của Mỹ.
Tháp di động bay đưa internet tới bất cứ nơi đâu
Telelift có thiết kế như “tháp di động bay”, sử dụng máy bay không người lái (UAV) với kích thước tương đương một chiếc bàn ăn nhỏ, kết nối với mặt đất qua đường dây dẫn dài và duy trì trạng thái bay trên không trung trong ít nhất 1 tháng, theo thông tin từ nhà sản xuất Spooky Action.
Phương tiện này sẽ bay ở độ cao 60m đồng thời được gắn với tấm pin năng lượng mặt trời hoặc nguồn điện trên mặt đất, sử dụng mức năng lượng tương đương lò vi sóng.
Nhà sáng lập công ty khởi nghiệp này, anh Rahul Tiwari, 22 tuổi, đã công bố thiết kế Telelift từ mùa hè năm 2017 trong khi nghiên cứu kỹ thuật tại Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ.
Ban đầu, Tiwari dự định phát triển hệ thống này làm “tháp quan sát bay” tại châu Phi nhưng anh đã thay đổi suy nghĩ và nhận thấy tiềm năng khác rộng lớn hơn sau khi nói chuyện với những chuyên gia trong ngành.
Trao đổi với CNN Business, nhà sáng chế trẻ cho biết: “Một khi chúng tôi có thể thiết kế máy bay không người lái đủ sức mạnh, đủ khả năng bay trong thời gian cực dài và có thể gắn các bộ định tuyến 4G trên đó, chúng tôi có thể đưa internet tới bất cứ nơi nào mình muốn”.
Công ty khởi nghiệp Spooky Action có trụ sở tại Minnesota muốn triển khai Telelift ở những khu vực có hệ thống internet yếu kém, bắt đầu từ Kenya, Niger, Bostwana đến Senegal. Theo thống kê của GSMA, toàn cầu có khoảng 4 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận internet.
Chàng trai trẻ Tiwari còn cho biết, tỉ lệ phủ sóng di động ở ngoại ô các thành phố lớn còn rất thấp nên anh đang phối hợp với các nhà cung cấp mạng, nhắm tới các khu vực ngoại ô có thể phủ sóng internet với số lượng người/1 máy bay không người lái lớn nhất.
Sau đó, họ mới chuyển sang các khu vực vùng sâu, vùng xa hơn. “Các nhà cung cấp sẵn sàng trả tiền cho một sản phẩm có thể làm được điều đó. Đó là một ngành kinh doanh tốt và mang lại hiệu quả cao cho cả thế giới”, Tiwari nói và cho biết, mỗi máy bay không người lái có thể cung cấp internet chất lượng cao cho hàng trăm người trong bán kính từ 20 - 30 dặm (tương đương 30 - 50 km).
Chi phí cho một chiếc UAV dạng này dao động khoảng 40.000 USD, hoàn toàn có thể tự động bay nhưng vẫn cần một phi công thực hiện cất/hạ cánh. Ngoài ra, theo anh Tiwari, một vài nước vận hành phương tiện này vẫn đòi hỏi phải có sự giám sát sâu từ phi công.
Nếu kế hoạch này thành hiện thực, nó sẽ có thể đưa mạng internet tới châu Phi một cách bền vững, tạo nền tảng để phát triển kinh tế.
Khó khăn trước mắt
Theo ông David Lemayian, đến từ tổ chức kỹ thuật dân sự Code for Africa, dù triển vọng phát triển rất sáng nhưng Telelift đang đối mặt với hàng loạt trở ngại như thực trạng không phận đông đúc, nguy cơ hỏng động cơ trên không.
Theo ông Sam Twala, đến từ công ty tư vấn Giải pháp Hàng không NTSU của Nam Phi, phía công ty này có thể kết hợp với cơ quan chức năng tại châu Phi để đưa ra một thoả thuận ràng buộc cho phép sử dụng UAV cố định. Telelift có một hệ thống kiểm soát và pin dự phòng nên có thể duy trì được ngay cả trong trường hợp dây buộc giữ máy bay bị cắt, sau đó hạ cánh khi an toàn.
Ông Gokhan Inalhan, Giáo sư về Trí tuệ Nhân tạo và Tự động tại Đại học Cranfield (Anh) đánh giá, Telelift có thể là một “sản phẩm tuyệt vời” cho hoạt động phản ứng khẩn cấp hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, ông nói thêm, việc sử dụng thiết bị này liên tục có thể là vấn đề vì nhiều phụ tùng của UAV không thể vận hành 24/7 trong điều kiện khắc nghiệt.
Theo ông, để máy bay không người lái có thể đáp ứng nhu cầu vận hành liên tục trong cái nóng như đổ lửa ở châu Phi, các chuyên viên kỹ thuật cần cải thiện chất liệu và động cơ của các thế hệ UAV mới để tăng độ bền.