Kình địch mới trên sàn thương mại điện tử

BẤT NHỊ 18/06/2020 13:19

Grab vừa công bố GrabMerchant, một nền tảng chợ dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến. Shopee, Lazada, Tiki-Sendo nên bắt đầu lo lắng.

p/Grab đang là một trong những startup lớn nhất ở Đông Nam Á theo đuổi mô hình siêu ứng dụng đa dịch vụ. Ảnh: DealStreetAsia

Grab đang là một trong những startup lớn nhất ở Đông Nam Á theo đuổi mô hình siêu ứng dụng đa dịch vụ. Ảnh: DealStreetAsia

Năm 2019 thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phải chứng kiến sự ra đi của hàng loạt các tên tuổi như Adayroi, Lotte, Robin, Deca… Còn 3  ông lớn Shopee, Lazada, Tiki-Sendo trụ lại vẫn đang cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, Grab vừa công bố GrabMerchant, một nền tảng chợ dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến. Ba ông lớn kia nên bắt đầu lo lắng.

Ba chân kiềng của thương mại điện tử

Một sàn TMĐT có ba yếu tố quan trọng: nơi bán (sàn giao dịch), thanh toán và giao hàng.

Nơi bán của một sàn TMĐT về quy mô có thể rất to, hoặc rất nhỏ. To như Lazada, Shopee, Tiki… nhỏ thì thậm chí những người bán hàng online cũng có thể coi là một sàn giao dịch.

Yếu tố thứ hai: thanh toán. Những sàn TMĐT lớn đều đầu tư vào việc thanh toán thông qua cổng thanh toán hoặc một ví điện tử. Việc này tốn kém chi phí và phức tạp hơn nên chỉ có các sàn TMĐT lớn mới làm, còn các sàn nhỏ người mua thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng, hoặc sang hơn là chuyển khoản.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất của một sàn TMĐT, và có thể nói là khâu yết hầu, đó là giao hàng. Các sàn TMĐT nhỏ lẻ, có thể tự giao hàng hoặc phải thuê giao hàng thông qua các nhóm vận chuyển, công ty vận chuyển chuyên nghiệp, thậm chí là có thể sử dụng các ứng dụng gọi xe để chuyển hàng. Các sàn TMĐT lớn đều có đội ngũ giao hàng riêng, được trả lương, đóng bảo hiểm,... hoặc liên kết với các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp.

Cho dù bằng cách này hay cách khác, giao hàng là một khâu trọng yếu, tốn kém, quyết định sự sống còn của một sàn giao dịch TMĐT.

Hai miếng võ hiểm

Grab đã đánh đúng yếu huyệt của các sàn TMĐT ở khâu giao hàng. Bởi ngoài yếu tố giá cả và chất lượng, yếu tố quan trọng mà người mua xét đến là “ship” có nhanh và rẻ không.

Amazon, sàn TMĐT hàng đầu thế giới ở Mỹ, quản lý gần 100 triệu sản phẩm, hơn 2,5 triệu người bán, doanh thu năm 2019 đạt 280,5 tỷ USD, trong đó chi phí giao hàng lên tới 37,9 tỷ USD.

Thời gian giao hàng cam kết của Amazon đối với khách hàng thường từ 3 đến 7 ngày, đối với thành viên Amazon Prime là hai ngày, và giảm xuống 1 ngày trong năm 2019 đã là động thái thu hút được rất nhiều khách hàng.

Các sàn thương mại điện tử Việt Nam như Lazada, Tiki,... cũng có các hình thức tương tự, giao nhanh và giao chậm. Giao nhanh đều cần tốn thêm chi phí và thường nhận hàng trong ngày, chỉ riêng Tiki có thể giao hàng trong vòng 2 tiếng, không kể thứ bảy hay chủ nhật.

Rõ ràng là khâu giao hàng là một khâu trọng yếu và tốn kém đối với một doanh nghiệp thương mại điện tử. Grab, với đội ngũ chuyên chở hùng hậu, có mặt khắp ngõ ngách, với chi phí thấp. Nhờ vậy, việc thực hiện giao hàng có thể thực hiện ngay khi khách mua hàng xong, bất kể thứ 7 hay chủ nhật, thậm chí cả ban đêm.

Miếng đánh thứ hai Grab dùng đến chính là GrabPay. GrabPay cũng được Grab kích hoạt năm 2018. GrabPay hoạt động như một ví điện tử thông thường đầy tiện ích với đầy đủ tính năng thanh toán, mua hàng, chuyển tiền,... trong khi đó Lazada và Tiki đều chưa có công cụ thanh toán riêng, ví của Shopee thì tính năng rất hạn chế.

GrabMerchant giống như một mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh TMĐT của Grab khi mà Grab đã có sẵn đội ngũ giao hàng và công cụ thanh toán từ lâu. Grab đã có đủ vũ khí để vươn lên thành một đế chế thương mại điện tử mới. Trong tương lai, rất có thể Grab sẽ là một Alibaba mới của Đông Nam Á.

BẤT NHỊ