Cuộc điều trần trước quốc hội sẽ "làm gì được" tứ đại gia công nghệ Mỹ?
CEO của Amazon, Apple, Facebook và Google đã đồng ý trả lời chất vấn cùng lúc tại Hạ viện Mỹ về nghi vấn thao túng ngành công nghệ, có thể vào cuối tháng này.
Lần đầu tiên cho The Four
Theo kênh CNBC, đây sẽ là lần đầu tiên cả bốn nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất của Mỹ cùng xuất hiện trong một phiên điều trần tại quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ việc điều trần sẽ được thực hiện trực tiếp hay trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ đang diễn biến căng thẳng.
Ngoại trừ tỷ phú Jeff Bezos - Giám đốc điều hành Amazon, cả ba vị CEO còn lại đều đã từng phải điều trần trước quốc hội Mỹ. Mark Zuckerberg của Facebook phải trả lời các câu hỏi về tiền kỹ thuật số Libra và bê bối Cambridge Analytica. Sundar Pichai của Google điều trần vào năm 2018 về các cáo buộc liên quan đến nội dung trên Google, trong khi Tim Cook của Apple phải điều trần về việc Apple thanh toán thuế.
Hiện đại diện của cả bốn công ty đều từ chối hoặc không trả lời yêu cầu bình luận liên quan tới việc giám đốc điều hành ra điều trần trước quốc hội. Hãng truyền thông chính trị Mỹ Politico cho biết CEO Apple Tim Cook là người cuối cùng xác nhận về việc sẽ tham gia phiên điều trần. Trước đó, Facebook và Google đã đồng ý rằng giám đốc điều hành của họ sẽ có mặt nếu các công ty khác cũng làm như vậy, trong khi tập đoàn Amazon khẳng định CEO Jeff Bezos sẵn sàng tham gia phiên điều trần.
Đây có thể coi là một động thái nhượng bộ đáng kể bởi trước đó, nhóm "tứ đại gia công nghệ" Mỹ từng tỏ dấu hiệu không muốn cử CEO tới cuộc điều trần dù Hạ nghị sĩ Cicilline - người đứng đầu Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ - tuyên bố sẽ xin trát tòa để triệu tập Zuckerberg, Pichai, Bezos và Cook.
Những thách thức cho các CEO của "tứ đại gia công nghệ"
Theo hãng truyền thông Bloomberg, bốn CEO có thể sẽ phải đối mặt với một loạt câu hỏi hóc búa từ các nghị sĩ Mỹ trong bối cảnh Tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện đang nỗ lực chống lại tình trạng độc quyền tại thị trường công nghệ. Trước đó, hồi tháng 6/2019, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã công bố cuộc điều tra chống độc quyền đối với bốn đại gia công nghệ này.
Tháng 9 năm ngoái, Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ nghị sĩ Cicilline đã yêu cầu bốn công ty cung cấp các tài liệu về những thương vụ mua lại, hoạt động kinh doanh, truyền thông và một số cuộc điều tra, kiện cáo trước đây.
Hạ nghị sĩ Cicilline cho biết muốn nghe phản hồi từ các CEO công nghệ hàng đầu trước khi kết thúc cuộc điều tra và đưa ra đề nghị thay đổi luật chống độc quyền, cải cách và điều tiết thị trường kỹ thuật số.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC hồi tháng 1 năm nay, ông này cũng nhận định: "Rõ ràng là thị trường kỹ thuật số đang không hoạt động một cách đúng đắn, không có sự cạnh tranh tại đây". Ông Cicilline tin tưởng những quy định luật pháp hiệu quả hơn là điều cần thiết để khôi phục lại sự cạnh tranh và cho phép một thế hệ mới các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển.
Theo tờ New York Times, những câu hỏi mà các nghị sĩ dành cho mỗi vị CEO tại phiên điều trần sẽ tập trung vào những khía cạnh khác nhau trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Với Amazon, vấn đề sẽ nằm ở cách thức tập đoàn này ứng xử với các thương hiệu bán sản phẩm trên nền tảng thương mại trực tuyến Amazon. Google sẽ phải cung cấp thông tin về mảng kinh doanh quảng cáo "hái ra tiền" của mình, trong khi Apple cần giải đáp những chất vấn về việc cửa hàng ứng dụng App Store đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà phát triển ứng dụng như thế nào.
Với Facebook - đối tượng của làn sóng tẩy chay dữ dội hiện nay, các nghị sĩ sẽ tập trung vào những thương vụ thâu tóm trong quá khứ, dẫn tới vị thế độc quyền trên thị trường mạng xã hội của hãng.
Cuộc điều trần sẽ "làm gì được" tứ đại gia công nghệ?
Cuộc điều trần và điều tra của Hạ viện Mỹ sẽ không dẫn tới các động thái thực thi pháp luật nhằm vào những công ty này nhưng sẽ là sự trợ giúp lớn cho các cuộc điều tra của các cơ quan quản lý của bang và liên bang.
Bộ Tư pháp Mỹ được cho là sẽ tiến hành một vụ kiện nhằm vào Google liên quan đến những cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang đang điều tra Facebook.
Cả Facebook và Google hiện cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra tại gần 50 bang ở Mỹ. Trong khi đó, hai cái tên khác là Apple và Amazon cũng đang phải đối mặt với những sự giám sát chống độc quyền từ các lực lượng thực thi pháp luật ở cả trong và ngoài nước Mỹ.