Quảng Đông của Trung Quốc triển khai được gần 100.000 trạm 5G
Theo báo cáo của Asia Times, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã triển khai được gần 100.000 trạm gốc 5G, vượt mục tiêu trong năm 2020.
Cụ thể, Asia Times trích dẫn báo cáo được tỉnh Quảng Đông công bố cho biết, tỉnh này đã xây dựng được tổng cộng 98.613 trạm gốc 5G. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các nhà mạng Trung Quốc đã triển khai tổng cộng 61.625 trạm gốc 5G ở Quảng Đông, vượt quá mục tiêu của chính quyền tỉnh là thêm 48.000 trạm gốc 5G cho toàn bộ năm 2020.
Theo Sở Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của chính quyền tỉnh Quảng Đông, số lượng người dùng gói dữ liệu 5G đã vượt quá 20,74 triệu người ở Quảng Đông tính đến cuối tháng 8.
Chính quyền địa phương cũng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G và tăng cường nỗ lực cải thiện tín hiệu 5G trong các tòa nhà thương mại, khu dân cư và khu công nghiệp.
Trước đấy, báo chí Trung Quốc cũng đưa tin nước này đã xây dựng 600.000 trạm gốc 5G trên toàn quốc, đạt mục tiêu xây dựng cả năm vào năm 2020. Các tỉnh như Quảng Đông, Sơn Đông và Liêu Ninh đã vượt chỉ tiêu hàng năm.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), Trung Quốc tính đến cuối tháng 8 với khoảng 100 triệu thiết bị được kết nối với mạng 5G ở Trung Quốc đại lục. Theo Bộ trưởng MIIT Xiao Yaqing, tính đến cuối tháng 8 đã có hơn 60 triệu người dùng 5G tại nước này.
Vào tháng 6/2019, MIIT đã chính thức cấp giấy phép cho việc ra mắt các mạng 5G thương mại tại nước này. Các giấy phép 5G đó đã được cấp cho China Mobile, China Unicom, China Telecom và đài truyền hình nhà nước China Broadcasting Network.
Một số thành phố chính của đất nước đã được phủ sóng toàn bộ với công nghệ 5G. Vào tháng 8, chính quyền thành phố Thâm Quyến thông báo rằng việc triển khai 5G của thành phố đã hoàn tất. Với việc triển khai gần 46.500 trạm gốc 5G, Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đạt được việc triển khai 5G toàn diện.
Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ phía Nam ở tỉnh Quảng Đông, là một trong những thành phố thí điểm đầu tiên của mạng 5G ở Trung Quốc. Thành phố, với hơn 12,5 triệu cư dân, là nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies và các công ty công nghệ Trung Quốc khác bao gồm ZTE và Tencent Holdings.
Trong khi đó, các nhà chức trách của Bắc Kinh đã thông báo vào tháng trước rằng thủ đô đã trở thành thành phố thứ hai ở Trung Quốc đạt được vùng phủ sóng toàn diện 5G.
Tính đến cuối tháng 7, các nhà khai thác Trung Quốc đã lắp đặt tổng cộng 44.000 trạm gốc 5G trên toàn thành phố và con số này dự kiến sẽ đạt 50.000 vào cuối năm 2020, theo các quan chức chính phủ
Hiện tại, có hơn 5 triệu người dùng 5G ở Bắc Kinh. Thành phố cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng 5G, chẳng hạn như phương tiện không người lái và thúc đẩy xây dựng 5G tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh và chuyển đổi 5G các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022.
Thượng Hải trước đó đã tuyên bố cam kết đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) vào việc xây dựng mạng 5G trong năm nay, với dự kiến thành phố sẽ xây dựng 30.000 trạm gốc 5G ngoài trời và 50.000 trạm nhỏ trong nhà được xây dựng vào cuối năm 2020. Ông Wang Zhiqin, Phó giám đốc của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) dự đoán rằng Trung Quốc sẽ chi 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ cho việc xây dựng mạng 5G vào năm 2025, dự kiến sẽ thúc đẩy khoản đầu tư hơn 3,5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào các lĩnh vực liên quan.
Các nhà mạng viễn thông của nước này dự kiến sẽ đầu tư hơn 220 tỷ nhân dân tệ vào thiết bị 5G trong năm nay và con số này dự kiến sẽ đạt 54 tỷ nhân dân tệ cho các ngành công nghiệp, theo sách trắng năm 2017 do CAICT công bố. Công nghệ này sẽ tạo ra 6,3 nghìn tỷ nhân dân tệ tổng sản lượng trực tiếp, 2,9 nghìn tỷ nhân dân tệ giá trị kinh tế gia tăng và 8 triệu việc làm vào năm 2030.
Lyu Tingjie, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Thông tin Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, cho biết, công nghệ là xu hướng lớn nhất trong thế giới ngày nay và 5G là xu hướng điển hình nhất. Ông tin rằng 5G sẽ định hình lại hệ sinh thái của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc và thậm chí là sự phát triển xã hội trong thập kỷ tới.
Có thể bạn quan tâm