Thủ tục hành chính vẫn… hành là chính
Các chuyên gia khẳng định công cuộc cải cách thủ tục hành chính phải gắn liền với cải cách con người.
Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu Hà Nội chỉ cố gắng cải cách thủ tục mà không cải cách con người thì kết quả của việc cải cách thủ tục hành chính cũng không được như mong đợi.
Người dân kêu khổ
Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được phản ánh của bà Nguyễn Vũ Vân Sao, Hoàn Kiếm, Hà Nội về việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ có yếu tố nước ngoài.
Theo đó, bà Vân Sao cho hay vào ngày 08/01/2019, bà đến Phòng Tư pháp - UBND quận Hoàn Kiếm đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ có yếu tố nước ngoài. Tại lần này, bà Vân Sao đã cung cấp một bộ hồ sơ bao gồm:
Bản sao của các loại giấy tờ: Bằng lái xe của ông Christopher (cha em bé), chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu của ông Christopher, Hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký giám hộ.
Bản chính của các loại giấy tờ như sau: giấy chứng sinh; tờ khai đăng ký khai sinh; tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con; Xét nhiệm ADN chứng minh quan hệ cha-con; Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ, về việc lựa chọn quốc tịch cho con.
Theo giấy tờ mà bà Vân Sao cung cấp, thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng 15 ngày từ ngày tiếp nhận nhưng trong giấy hẹn, Phòng tiếp dân, UBND quận Hoàn Kiếm lại hẹn trả kết quả vào ngày 29/1/2019, tức 21 ngày so với hồ sơ quy định.
Cũng theo bà Vân Sao, tại lần hẹn trả hồ sơ này, cán bộ 1 cửa cho biết trên Phòng Tư pháp đề nghị bổ sung hồ sơ, tuy nhiên trong thời gian 21 ngày chờ đợi theo thủ tục không hề có liên lạc gì từ phía Quận, vì thế ông Christopher cha của em bé đã bay về Mỹ.
“Đến 16h chiều ngày 30/1/2019 mới có 1 cán bộ của Phòng Tư pháp gọi điện báo với tôi là Phòng Tư pháp - quận Hoàn Kiếm đề nghị người dân phải bổ sung hồ sơ nhưng không trả lời vì sao Phòng không thông báo cho người dân trong thời gian kiểm tra, xét duyệt hồ sơ theo đúng quy định.
Ngày 30/1/2019, tôi đến UBND quận Hoàn Kiếm để gặp cán bộ Tư pháp thì được người này đưa vào phòng tiếp dân và yêu cầu tự đi lấy thông báo bổ sung hồ sơ về xem và thông báo này có đề ngày 25/1/2019 trong khi không có liên lạc, thông báo nào từ phía Phòng Tư pháp tới bà Vân Sao được thực hiện trong ngày này”, bà Sao kể lại.
Theo đó, Phòng Tư pháp, quận Hoàn Kiếm đề nghị bà Vân Sao phải bổ sung hồ sơ vì:
Thứ nhất: "Thông tin ngày, tháng, năm trong Văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch cho con không phù hợp với ngày nộp hồ sơ".
Thứ hai: "Thông tin địa chỉ nơi cư trú của người cha trong hồ sơ chưa thống nhất, rõ ràng giữa tờ khai và giấy tờ chứng minh nơi cư trú".
Để làm rõ hai nội dung trên, Phòng tư pháp - quận Hoàn Kiếm đề nghị người dân phải bổ sung "Bản dịch tiếng Việt giấy phép lái xe của ông Christopher để xác định rõ nơi cư trú của người cha".
Bản thân bà Vân Sao khẳng định thông tin nơi cư trú của người cha trong hồ sơ chỉ có một, trên giấy tờ đăng ký (khai sinh, nhận cha mẹ con), văn bản thỏa thuận nhận quốc tịch nơi cư trú được khai trùng khớp với trên bằng lái xe nên việc nói “chưa thống nhất” là không thuyết phục.
Đánh đố người dân
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) khẳng định yêu cầu bổ sung bản dịch tiếng Việt bằng lái xe của người cha không làm rõ được hai nội dung trên.
“Nếu thông tin về nơi cư trú của người cha không thống nhất, rõ ràng giữa bằng lái xe tiếng Anh với tờ khai, thì dịch bằng lái xe đó sang tiếng Việt có làm cho thông tin đó trở nên thống nhất, rõ ràng được không?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Hơn nữa, theo quan điểm của ông Dũng trường hợp "Thông tin ngày, tháng, năm trong Văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch cho con không phù hợp với ngày nộp hồ sơ" sẽ chỉ xảy ra sai sót khi thời gian trong văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch cho con được đăng ký sau ngày nộp hồ sơ.
“Kể cả khi điều này xảy ra thì việc Phòng Tư pháp - quận Hoàn Kiến đề nghị người dân phải bổ sung "Bản dịch tiếng Việt giấy phép lái xe của ông Christopher để xác định rõ nơi cư trú của người cha" là điều không cần thiết. Trường hợp này Phòng Tư pháp chỉ cần gọi người dân lên sửa hồ sơ là được”, ông Dũng khẳng định.
Theo quan điểm của ông Dũng điều cần đề nghị ở đây là một sự giải trình bởi người dân lấy bằng lái xe trước khi chuyển nhà thì địa chỉ cư trú có thể không nhất quán thôi.
“Nếu bản dịch tiếng Việt bằng lái xe là đòi hỏi của pháp luật, thì điều này phải được nói rõ và phải thông báo ngay cho người dân khi họ nộp hồ sơ. Để đến khi thời hạn xử lý hồ sơ sắp hết và người bố đã phải trở về Mỹ, mới làm công văn yêu cầu phải dịch bằng lái xe, thì bằng đánh đố người dân. Điều này sẽ không chỉ làm phát sinh những chi phí rất lớn về thời gian và tiền bạc cho người dân, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quyền của em bé”, ông Dũng nói và đặt câu hỏi: “Thông tin ngày, tháng, năm trong Văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch và ngày nộp hồ sơ tại sao lại phải phù hợp? Phù hợp ở đây hàm ý gì vậy?”.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.