Rủi ro “ám” POM
Vụ 100 bánh cocain bị phát hiện trong container nhập phế liệu là rủi ro hy hữu 20 năm chưa từng xảy ra ở CTCP Thép POMIMA (HSX: POM). Nhưng đây không hẳn là mối lo duy nhất.
POM là một trong những doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam. Khác với các tập đoàn thép tư nhân như Hòa Phát hay Hoa Sen đang có sự mở rộng sản phẩm và thị trường, POM chỉ tập trung vào thép xây dựng và thị trường trọng điểm miền Nam.
Tăng công suất để giành lại thị phần?
Những năm 2010, POM từng đứng đầu về thép xây dựng với sản xuất thép dài, thị phần đạt 17% sản lượng cả nước. Đến năm 2016, thị phần của POM trong mảng này bị sụt giảm xuống chỉ còn 12%, đứng sau Thép Hòa Phát. Quý I/2018, thị phần thép xây dựng của POM chỉ còn dưới 10%, đứng thứ 3 sau Thép Hòa Phát và VNSteel với lần lượt 22,24% và 18,42% thị phần.
Có thể bạn quan tâm
Cạnh tranh của Thép Hòa Phát, VnSteel, Posco, Vina Kyoei,…trong lĩnh vực xây dựng và sự mở rộng ở thị trường miền Nam theo đánh giá chung, hiện đang tiếp tục “đe dọa” co hẹp miếng bánh thị phần của POM, đặc biệt khi Thép Hòa Phát đang có lợi thế lớn hơn POM cả về việc tiết giảm chi phí do công nghệ sản xuất lẫn tận dụng ưu đãi chính sách.
Nếu thị phần ngày càng co hẹp, kỳ vọng lấy lại vị trí số 1 trước đây trên thị trường xây dựng, thông qua các bước đi chiến lược đầu tư cụ thể của POM đến năm 2020 với các dự án: (1) Nhà máy luyện phôi 800 ngàn tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến 65 triệu USD, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 2/2019, (2) Dự án cán thép 500 ngàn tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 50 triệu USD, dự kiến đưa vào hoạt động 12/2019… sẽ trở nên khó khăn hơn.
POM tính toán, khi các dự án này hoàn thành, công suất cán thép xây dựng của Cty sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn, dự kiến cao hơn 60% công suất thép xây dựng từ Dự án thép Dung Quất của Hòa Phát ở thị trường phía Nam và cho phép Cty đạt được vị trí thị phần số 1 ở thị trường thép xây dựng miền Nam, vượt lên trên Thép Hòa Phát, Vinakyoei hay Posco.
Cổ phiếu POM diễn biến tiêu cực sau thông tin lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp này bị phát hiện có chứa chất cấm. Theo đó, thị giá cổ phiếu POM đã “bốc hơi” gần 6% trong vòng một tuần qua và gần 11% trong vòng một tháng qua.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng hiện thị trường thép xây dựng vẫn luôn đứng trước lo ngại dư thừa nguồn cung. Thép xây dựng lại không phải là mặt hàng các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Bản thân POM được đánh giá vẫn chưa tận dụng hết công suất thiết kế hiện tại. Đặt giả định sau 2020 khi thị trường thép xây dựng không còn chính sách bảo hộ và POM lại tập trung chuyên biệt sản phẩm thay cho xu hướng đa dạng hóa sản phẩm mà các doanh nghiệp thép lớn đang đi theo…, thì liệu chiến lược cạnh tranh bằng tập trung tăng công suất của Pomina có thực sự hiệu quả?
Rủi ro biến động giá nguyên vật liệu
Trong giai đoạn 2013-2015, POM luôn rơi vào tình trạng âm tăng trưởng kinh doanh. Một trong những nguyên nhân là sự phụ thuộc biến động giá từ thị trường thép thế giới, trong khi tại POM, thép phế liệu nhập khẩu chiếm 90% giá trị thành phẩm.
Theo tính toán của giới kinh doanh công nghiệp thép, thông thường đường đi của một lô hàng nhập khẩu từ lúc mở L/C đến khi hàng về đến doanh nghiệp sẽ mất từ 2-3 tháng.
Nếu doanh nghiệp không tính toán phòng ngừa rủi ro biến động giá phôi billet tăng/giảm không theo chu kỳ trên thị trường thế giới có thể khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đội chi phí giá vốn (từ mức tăng giá nguyên vật liệu) hoặc chịu gánh nặng tồn kho hàng lớn. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp thép cũng sử dụng đòn bẩy tài chính với vốn vay lớn để nhập khẩu hàng.
Trong 6 tháng năm 2018, POM ghi nhận kế hoạch kinh doanh khởi sắc với doanh thu thuần tăng hơn 30% so với cùng kỳ và đạt 53% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 373 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và thực hiện được gần 75% kế hoạch năm.
Thị trường bất động sản tăng mạnh với tiêu thụ nội địa thép xây dựng tăng, xuất khẩu tăng được cho là động lực đóng góp cho hoạt động khởi sắc của POM. Song cũng tại cuối 30/6/2018, POM đang tăng hàng tồn kho (1.949 tỷ đồng lên 2.020 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ 2.740 tỷ đồng lên 3.352 tỷ đồng, nợ phải trả cũng tăng nhẹ lên 4.460 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt chiếm 3.581 tỷ đồng và 115 tỷ đồng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thống kê trong tháng 6, phôi thép và thép phế liệu giao dịch toàn cầu có giá khá ổn định. Tuy nhiên, thị trường thép toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự ổn định trong thời gian tới sẽ không chắc chắn do các biện pháp thuế thép vẫn tồn tại. Với hàng tồn kho lớn, không dự phóng giảm giá hàng tồn kho, định giá giá trị thuần có thể thực hiện được nguyên giá, POM dường như đang lạc quan quá sớm về sự ổn định giá trên thị trường nguyên vật liệu thép thế giới.