Vì sao lãi quý III công ty mẹ PVS giảm 40% so với cùng kỳ
Lợi nhuận sau thuế quý 3 của PVS thu về 107,9 tỷ đồng, giảm 40,3% so với quý 3 năm trước.
Quý 3/2018, PVS thu về hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14,9% so với quý 3/2017. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tăng cao gấp gần 3,8 lần cùng kỳ năm trước, lên 4,3%; giúp Công ty lãi gộp hơn 54,4 tỷ đồng, tăng gần 222% so với quý 3/2017.
So sánh với quý 3/2017, mặc dù chi phí tài chính giảm gần 37,2% trong quý 3/2018, xuống còn 45,5 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính cũng sụt giảm chỉ còn gần 269,9 tỷ đồng (quý 3/2017 là 323,2 tỷ đồng), tương ứng giảm 16,5%.
Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ lên đến hơn 200,2 tỷ đồng, gấp đôi so với con số trong quý 3/2017.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao PVS đặt mục tiêu tụt lùi?
06:59, 26/05/2018
PVSD và BSR ký hợp đồng thương mại trị giá 50 triệu USD
00:00, 12/08/2010
PVS bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hải làm Phó Tổng giám đốc
00:00, 11/07/2012
PVS lý giải biến động này chủ yếu là do trong quý 3/2018, Tổng công ty thực hiện trích bổ sung một số khoản dự phòng về công nợ theo quy định. Lũy kế 9 tháng, PVS ghi nhận tổng cộng đến 331,4 tỷ đồng các khoản dự phòng trong chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp; gấp hơn 3 lần con số (108 tỷ đồng) trong cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó Công ty cũng ghi nhận 66,7 tỷ đồng hoàn nhập liên quan đến FPSO Lam Sơn trong 9 tháng đầu năm 2018.
Quý 3/2018, dù được hoàn 37 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (quý 3/2017 là 20.2 tỷ đồng), công ty mẹ PVS vẫn chỉ đạt 107,9 tỷ đồng lãi ròng, giảm đến gần 40,3% so với kết quả cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, PVS đạt doanh thuần 4.549 tỷ đồng và lãi ròng 330,9 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 25,6% và 11,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nợ phải trả tương đương 40% tổng tài sản trong khi vốn chủ sở hữu ở mức 7.579 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, công ty mẹ PVS đã tích lũy được 2.429 tỷ dồng quỹ đầu tư phát triển bên cạnh 644 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trước việc giá dầu tăng, PVS sẽ ít chịu tác động mà triển vọng dài hạn còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ các dự án phát triển khí lớn như Sao Vàng – Đại Nguyệt, Lô B, và Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2.
Tuy vậy, CTCK HSC cho rằng triển vọng của PVS trong 3 năm tới là rất khả quan nhờ khả năng khởi động các dự án lớn như Block B – Ô Môn, Sử Tử Trắng giai đoạn 2, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt...
HSC cho rằng tàu FPSO Lam Sơn hiện vẫn hoạt động với giá thuê tàu tạm thời và ở mức khá thấp nên sẽ không đóng góp lợi nhuận đáng kể trong năm 2018. Tuy nhiên, FPSO Lam Sơn dự kiến sẽ được áp dụng giá thuê chính thức cao hơn trong năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng giá dầu thế giới trong trung hạn khả quan hơn.
Việc nhanh chóng phát triển các mỏ dầu và khí mới hiện được xem là bắt buộc đối với Việt Nam để bù đắp cho sản lượng suy giảm ở các mỏ hiện tại. Cụ thể, nhu cầu khí khô trong nước có thể tăng 20%/năm từ năm 2021 sau khi hai nhà máy nhiệt điện chạy khí lớn là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đi vào hoạt động.
HSC dự báo trong năm 2018, PVS đạt doanh thu 14.714 tỷ đồng (giảm 12% so với năm 2017) và LNST đạt 736 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2017).
Tuy nhiên, trong năm 2019, HSC dự báo kết quả kinh doanh của PVS sẽ phục hồi đáng kể với tổng doanh thu ước tăng trưởng 35% đạt 19.850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 74% đạt 1.278 tỷ đồng.
Được biết, PVS theo ý kiến giới phân tích ít chịu ảnh hưởng của giá dầu hơn PVD vì lĩnh vực hoạt động đa dạng (tàu, cảng, kho nổi, cơ khí dầu khí…). Song, đi cùng đà tăng chung của nhóm ngành, cổ phiếu PVS trong 3 tháng gần đây là có biến động mạnh, với đà rơi từ mức 24.400 đồng/cổ phiếu xuống 18.500 đồng cổ phiếu.