Chính phủ quyết liệt đưa Việt Nam thành “công xưởng tôm của thế giới”
Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Chính phủ ban hành với nhiều mục tiêu, định hướng phát triển theo hướng bển vững. Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới với các biện pháp hỗ trợ thuế phí và tín dụng đã tạo lòng tin cho doanh nghiệp về mục tiêu 10 tỷ USD/năm và đóng góp 10% GDP.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, với mục tiêu 10 tỷ USD/năm, phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.
Chiến lược tầm quốc gia
Mặc dù vừa trải qua một năm “được mùa” với sản lượng xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, đứng đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu ngành thuỷ sản, tuy nhiên, thực trạng ngành sản xuất tôm hiện còn manh mún, khâu liên kết chuỗi, cung ứng con giống còn nhiều hạn chế. Đặc biệt giá thành sản xuất tôm so với các nước trong khu vực cao, chưa kể xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước có tác động bất lợi cho con tôm. Nói như ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc: “Tôm Việt trước giờ cạnh tranh được là nhờ giá thấp nhưng những quy định mới và những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trong bối cảnh hội nhập, thì dù giá thấp cũng không bán được nên buộc ngành phải thay đổi”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, nếu không có giải pháp đồng độ mang tính quốc gia thì trong thời gian tới sẽ rất khó cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Có thể nói, những lo ngại của ngành bao gồm cả ngoại cảnh tác động lẫn những điểm yếu cố hữu từ trong doanh nghiệp. Bởi Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành tôm, nếu áp dụng những tiêu chuẩn về khoa học kỹ thuật thì năng suất đang ngày càng tăng lên.
Do đó, Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành cho thấy sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ cho các doanh nghiệp trong ngành, tạo “cú hích” cho sự phát triển toàn ngành tôm. Trong đó, Kế hoạch bao gồm những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, từ năm 2017 – 2020, mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 10,79%/năm.
Giai đoạn 2021-2025, hình thành ngành công nghiệp tôm công nghệ cao ở các vùng sản xuất trọng điểm và vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.
Đặc biệt, phấn đấu tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm.
Doanh nghiệp lạc quan
Thực ra, mục tiêu 10 tỷ USD và đóng góp khoảng 10% GDP cả nước của ngành tôm đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành từ Hội nghị phát triển ngành tôm và tháng 2/2017 tại Cà Mau. Đến nay, việc ban hành Kế hoạch quốc gia phát triển ngành tôm đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng ngành tôm là ngành công nghiệp sản xuất lớn theo hướng bền vững.
Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc nhận định, mục tiêu 10 tỷ USD/năm vào năm 2025 của Việt Nam là có căn cứ. Bởi Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia. Cùng với đó là nền tảng cho công nghiệp tôm là hơn 2 triệu người làm việc liên quan tới lĩnh vực này, với diện tích nước ngập mặn đang ngày càng tăng giúp diện tích nuôi tôm tăng lên và tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển.
"Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những hiệp định song phương và đa phương với nhiều quốc gia, do đó việc mở rộng thị trường rất thuận lợi. Ngành tôm Việt hiện đang chủ động được tốt nhất về giống và thức ăn cho tôm. Đặc biệt với Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam 2025 lần này, hiệu quả nâng cao xuất khẩu tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 là rất lạc quan”, ông Đặng Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Cũng phải nói rõ, tại Kế hoạch ở tầm quốc gia lần này, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển ngành tôm được đưa ra như tổ chức và quản lý sản xuất, khoa học công nghệ và khuyến ngư, phát triển thị trường, các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ. Cùng với đó là chính sách giao, cho thuê sử dụng đất, mặt nước để nuôi tôm, chính sách về thuế, phí...
Trong đó, chính sách về tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành tôm.
Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước đó, ngay sau chỉ đạo vào tháng 2/2017 của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã triển khai Kế hoạch quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra góp phần phục vụ xuất khẩu, giai đoạn 2017-2020. Theo đó, lựa chọn doanh nghiệp có chuỗi hoặc liên kết theo chuỗi sản xuất có xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm để tham gia chương trình giám sát, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn tôm Việt.
Cũng trong năm qua, Bạc Liêu được Chính phủ xác định xây dựng thành “thủ phủ” ngành tôm với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn. "Sang năm 2018, tôm sẽ tiếp tục được phát triển tại vùng tiềm năng này. Cùng với đó, đẩy mạnh công nghệ cao, phát triển nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng tôm” ông Nguyễn Ngọc Oai - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết.
Có thể thấy, quyết tâm của Chính phủ trong Kế hoạch quốc gia lần này cùng sự vào cuộc của các Bộ ngành địa phương sẽ tạo bước đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành, tiến tới hiện thực mục tiêu phát triển ngành tôm thành ngành công nghiệp lớn với 10 tỷ USD/năm, đóng góp 10% GDP cả nước.