Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% cho 2018: Quá khiêm tốn!
Với tầm nhìn đó và tăng trưởng GDP 2017 là 6,81%, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% cho năm 2018 là quá khiêm tốn và sẽ không mang lại động lực tích cực cho tăng trưởng.
Nhận định này được đưa ra tại báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI.
Theo nhóm nghiên cứu SSI, đạt tăng trưởng 6,81% có thể coi là một bất ngờ lớn của năm 2017 nhưng qua bóc tách các số liệu, SSI nhận thấy tăng trưởng đã “thật” hơn so với số liệu 9 tháng. Nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng 2017 đạt 7,9% - một con số ấn tượng cho thấy sự gia tăng về tiêu dùng là tất yếu nhờ gia tăng việc làm và thu nhập người dân.
Có thể bạn quan tâm |
Trên đà tăng trưởng này, theo SSI việc đặt mục tiêu thấp cho năm 2018 là điều có phần vô lý. SSI tin rằng việc đạt mức tăng trưởng cao hơn cho năm 2018 là hoàn toàn có thể bởi cả các động lực tăng trưởng cũng như quyết tâm chính trị đều đang rất tích cực.
Theo đó, GDP quý 4 năm 2017 đạt mức tăng trưởng +7,65%, từ đó kéo tăng trưởng chung của cả năm 2017 lên +6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7% và đạt mức cao nhất 10 năm. Nếu so với năm 2016, sự hồi phục ở cả 3 lĩnh vực Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ đã tạo ra tăng trưởng cao của năm 2017 nhưng nếu so với năm 2015 thì yếu tố chính tạo ra kỳ tích 2017 lại nằm ở lĩnh vực Dịch vụ.
Dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, 41,32% GDP, nên sự phục hồi của Dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đến tăng trưởng chung. Trong năm 2017, hầu hết các ngành cấu thành trong lĩnh vực Dịch vụ đều có tăng trưởng cao hơn năm 2016, đặc biệt Lưu trú ăn uống và Vận tải kho bãi là 2 ngành nổi bật nhất.
Bên cạnh đó, ngành Vận tải kho bãi tăng +7,91%, cao nhất 7 năm, trong đó sự hồi phục của Vận tải biển có vai trò rất quan trọng. Vận tải biển có tỷ trọng cao nhất (xét theo đơn vị Tấn.Km) và tăng trưởng Vận tải biển trong năm 2017 cũng đạt mức cao nhất 7 năm là +3.9%.
Ngoài ra, ngành Bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực Dịch vụ (chiếm 25%), có cải thiện nhẹ so với 2016, từ mức +8,28% lên +8,36%.
Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có tỷ trọng đứng thứ 2 sau Bán buôn bán lẻ (chiếm 15%) và năm 2017 cũng là một năm thành công với mức tăng trưởng +8.14%, cao nhất 7 năm. Tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã có những bước tiến đáng kể mà nhờ đó lợi nhuận ngành ngân hàng đã có lại tăng trưởng cao. Trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết đạt +28,7% YoY, gần gấp 2 lần mức tăng trưởng của cả năm 2016 là +14,8%.
Ngành kinh doanh bất động sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng +4,07%, cao nhất 8 năm. Nhân tố cơ bản giúp duy trì đà tăng của nhu cầu nhà ở là tăng trưởng kinh tế và thu nhập. Bên cạnh đó, quy định cho phép người nước ngoài mua nhà, môi trường lãi suất thấp và sự bùng nổ của các sản phẩm cho vay tiêu dùng liên quan đến BĐS cũng là những động lực giúp thị trường BĐS tiếp tục sôi động. Tăng trưởng của ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm và ngành Kinh doanh BĐS đã có sự tương đồng rõ rệt trong giai đoạn thoái trào 2009 - 2012 cũng như giai đoạn hồi phục 2012 - 2017.
“Mặc dù lĩnh vực Dịch vụ bao trùm nhiều ngành rộng nhưng về cơ bản tăng trưởng Dịch vụ đến từ tăng trưởng sức cầu tiêu dùng (bao gồm cả nhu cầu nhà ở). Sức cầu tiêu dùng lại có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng việc làm và khách du lịch quốc tế. Trong tăng trưởng việc làm, những ngành liên quan đến FDI trong năm 2017 lại là những ngành tạo ra nhiều việc làm nhất và vì vậy nhân tố nước ngoài đang đóng vai trò quyết định đến tăng trưởng của lĩnh vực Dịch vụ của Việt Nam”. – báo cáo của SSI nhìn nhận.
Cũng theo báo cáo này, lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng (chiếm 33.3% GDP) đạt mức tăng trưởng +8%, trong đó Công nghiệp tăng +7,85% và Xây dựng tăng +8,7%. Câu chuyện tăng trưởng của ngành Công nghiệp trong đó Công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo đã được SSI nhắc đến nhiều lần và tính cả năm 2017, ngành công nghiệp Chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng kỷ lục +14,4%. Với tỷ trọng lớn nhất trong cấu thành GDP, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chính là ngành đã kéo tăng trưởng chung vượt mục tiêu 6,7%.
Tựu chung lại năm 2017 có thể thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dấu ấn của yếu tố nước ngoài khá rõ rệt trong cả lĩnh vực Dịch vụ, Công nghiệp cũng như Nông, ngư nghiệp. Yếu tố nước ngoài thể hiện trực tiếp qua đầu tư và tiêu dùng cũng như gián tiếp qua sự hồi phục của giá cả hàng hóa thế giới. Trong bối cảnh nội lực còn hạn chế, việc dựa vào nguồn lực bên ngoài để có tăng trưởng cao là lựa chọn hợp lý. Hơn thế, việc tận dụng thị trường cũng như dòng vốn quốc tế để phát triển kinh tế cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược dài hạn.
Với tầm nhìn đó và tăng trưởng GDP 2017 là 6.81%, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% cho năm 2018 là quá khiêm tốn và sẽ không mang lại động lực tích cực cho tăng trưởng. “Chúng tôi cho rằng việc đạt tăng trưởng 7% trong năm 2018 là hoàn toàn có thể cho dù ngành khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm. Nền tảng cơ bản cho tăng trưởng là thể chế chính sách đang được định hình đúng hướng, thể hiện qua sự coi trọng kinh tế tư nhân, phát triển các động lực tăng trưởng mới như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao hay mô hình đặc khu kinh tế. Năm 2017 có thể coi là năm chuyển mình để kinh tế Việt Nam cất cánh và vì vậy năm 2018 cần tiếp tục phải tăng tốc với mục tiêu cao hơn nữa trong các năm tiếp theo”. – báo cáo của SSI khẳng định.