Vì sao kinh tế tư nhân “bối rối”?

Nguyễn Việt 10/04/2018 23:17

Tín hiệu lạc quan chưa lan rộng ra khắp nền kinh tế, khi mà sự năng động không đến đồng đều từ tất cả các thành phần kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân hinh như có phần bối rối và “chậm chân” hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trái ngược với GDP tăng trưởng “thần tốc” đạt 7,38% trong quý 1/2018, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý I/2018 lại lên đến 20.337 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2018 là 3.321 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm trên 90%.

Có thể bạn quan tâm

  • “Mệnh lệnh” cho kinh tế tư nhân

    05:08, 16/02/2018

  • Chắp cánh cho kinh tế tư nhân

    05:21, 08/02/2018

  • “Ngôi sao hy vọng” của kinh tế Việt Nam là kinh tế tư nhân

    11:25, 01/01/2018

  • VBF 2017: Trọng tâm là thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá

    16:50, 11/12/2017

Trong khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp mới thành lập đóng vai trò chính trong các tính toán tỷ trọng vốn đầu tư. Tuy nhiên, từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô các doanh nghiệp đang liên tục giảm (mức trung bình chỉ đạt 460 triệu đồng theo giá trị năm 1994, tương đương 1,2 tỷ đồng - năm 2017) và hiện nay đang dừng ở mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Theo Báo cáo Điều tra về xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, quý 1/2018 của Tổng cục thống kê, mặc dù hướng vào thị trường nội địa, song có đến 60,4% doanh nghiệp lại phàn nàn khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Hơn thế nữa, 46,3% số doanh nghiệp còn cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp, trong khi mức chi tiêu thực tế của người Việt trong quý 1 lên đến 1 triệu tỷ đồng.

Năm 2018 là thời điểm thực hiện nhiều cam kết hội nhập kinh tế quốc, nhưng phần lớn các doanh nghiệp tư nhân chưa đánh giá hết áp lực cạnh tranh đến từ bên ngoài, chỉ có 21,9% số doanh nghiệp nhận thức tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.

Trong khi đó, 1/3 số doanh nghiệp cho biết thực trạng còn đang miệt mài giải quyết các vấn đề đầu vào, như khó khăn về tài chính hay không tuyển được lao động theo yêu cầu…

Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang rất manh mún và hầu như không có sự thay nào đáng kể. Các DNNVV vẫn không thể phát triển, không hề thay đổi về giá trị gia tăng và tăng trưởng trong suốt từ 10 năm (2005 – 2015).

Điều này lý giải khi số lượng DN trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi và tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi.

Nói về khối kinh tế tư nhân, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam không phải là nhỏ, nhưng để biến số lượng thành lực lượng với sức mạnh lớn hay không là cả một câu chuyện phải bàn.

Doanh nghiệp của chúng ta dàn hàng ngang bao nhiêu năm không chịu lớn, hô hào tiến lên cũng không tiến được bao nhiêu. Ông Thiên đánh giá có thực trạng này là vì vẫn còn quá nhiều rào cản.

Rào cản lớn nhất mà ông Thiên đặc biệt quan tâm là liên quan đến nguồn thu của nhà nước. Cụ thể, thu của nhà nước càng nhiều thì chi phí doanh nghiệp càng tăng cao.

“Bấy lâu nay chúng ta chỉ bàn về thu, nên không giải quyết được. Phải bàn về chi, chừng nào chi giảm, chi hợp lý thì chi phí của doanh nghiệp sẽ được giảm đi”, ông Thiên nói.

Nguyễn Việt