“Phác họa” bức tranh kinh tế năm 2019
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa “phác họa” kế hoạch phát triển kinh tế năm 2019.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2018, đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, những thuận lợi, khó khăn của năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phác họa dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Bức tranh kinh tế năm 2019 đang dần "hé lộ".
Những con số lạc quan
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2018; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,2%; bội chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP.
Dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036-2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16% so với năm 2018; dư nợ tín dụng dự kiến tăng khoảng 15-17%; điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường và các cân đối kinh tế vĩ mô; tăng cường dự trữ ngoại hối; đảm bảo tính thanh khoản và an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng. Dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2019 tăng trưởng ổn định và cán cân tổng thể dự kiến thặng dư khoảng 11 tỷ USD, tương đương với năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá
05:03, 04/09/2018
Không chủ quan với tăng trưởng năm 2018
18:07, 30/08/2018
5 yếu tố tác động đến tăng trưởng Việt Nam trong những tháng cuối năm
05:15, 06/08/2018
Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định
17:47, 01/08/2018
Tăng trưởng và sức ép lạm phát
04:31, 31/07/2018
Tăng trưởng hàng năm của Việt Nam có thể đạt 6,5% sau năm 2018
11:00, 19/07/2018
Còn nhiều rủi ro, thách thức
Mặc dù đưa ra những con số lạc quan nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu tâm một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019.
Theo đó, với độ mở lớn cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Căng thẳng thương mại, chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, các nền kinh tế lớn diễn biến khó lường, kết hợp với các yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa, chủ nghĩa dân túy,... sẽ tác động tới các thể chế thương mại quốc tế (đa phương, khu vực và song phương), cấu trúc sản xuất, tình hình cung cầu, giá cả, chuỗi sản xuất khu vực và thế giới, qua đó ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể cũng sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước hiện đang ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối ở mức khá cao, niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam được củng cố, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và việc đẩy nhanh lộ trình cổ phần và bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, hạn chế bớt rủi ro rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn.
Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai, bão, lũ,... diễn biến ngày càng khó lường với chi phí khắc phục ngày càng lớn luôn là thách thức tiềm ẩn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nêu ra những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn người ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu; Kết nối doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế; Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa, đang dần được thay thế bởi công nghiệp chế biến, chế tạo; Những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam là lao động chi phí rẻ đang có xu hướng giảm dần. Ngược lại, chi phí lao động tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trong khi năng suất lao động chậm được cải thiện, kinh nghiệm, kỹ năng, tác phong của lao động Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng già hóa lao động càng ảnh hưởng tiêu cực lên năng suất lao động. Những điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam dần mất đi nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ...
Về rủi ro khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản.
Tuy nhiên, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng; thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...
Theo nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tín hiệu trên cho thấy ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời.