Cách thức tăng trưởng kinh tế đang tốt lên

Thy Hằng 22/10/2018 11:40

Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tích cực với nền tảng cho phát triển được củng cố theo hướng vững chắc là dựa hơn vào phía cung, từ đó, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Theo đó, báo cáo của Chính phủ cũng như dự báo của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như chuyên gia đều lạc quan về mức tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng của tăng trưởng năm 2018, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tăng trưởng đã không dựa vào khai thác khoáng sản hay mở rộng cung tiền tệ, mà dựa nhiều hơn vào phía cung của nền kinh tế, dựa vào tăng năng suất

Tăng trưởng đã không dựa vào khai thác khoáng sản hay mở rộng cung tiền tệ, mà dựa nhiều hơn vào phía cung của nền kinh tế, dựa vào tăng năng suất.

Tăng trưởng trên 6,8% năm 2018

Cụ thể, trong khi Báo cáo chính thức của Chính phủ xác định tăng trưởng của 9 tháng năm 2018 cao nhất trong 8 năm qua, thì Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2018 vừa công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) đưa ra cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. 

Theo VEPR, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt mức 6,84%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Bởi theo dự báo, tăng trưởng kinh tế quý IV có khả năng đạt 6,56%.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng vừa đưa ra mức dự báo tăng trưởng cao 6,88% cho kinh tế năm 2018. 

Nhóm Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM phân tích, tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý III và 6,98% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó. Nhờ đó, áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm đáng kể.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng 3,46% so với cùng kỳ nhờ một số yếu tố như giá bán sản phẩm ổn định, thị trường xuất khẩu được mở rộng, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu ngành và việc triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và đổi mới. Khu vực công nghiệp - xây dựng lấy lại đà tăng trưởng vững chắc hơn, đạt 8,61%. 

Có thể bạn quan tâm

  • Lạc quan với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020

    Lạc quan với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020

    08:50, 22/10/2018

  • Bền vững chất lượng tăng trưởng

    Bền vững chất lượng tăng trưởng

    05:05, 20/10/2018

  • Tốc độ và chất lượng tăng trưởng

    Tốc độ và chất lượng tăng trưởng

    11:30, 19/10/2018

  • Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%

    Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%

    11:00, 15/10/2018

Tốc độ tăng GDP chung có thể cao hơn nếu đóng góp (điểm phần trăm) của phân ngành khai khoáng tương đương với mức trung bình của giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 6,87%, giảm so với cùng kỳ các năm 2016-2017.

Do đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.

Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Theo đó, WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018, tăng lên so với mức 6,5% trong dự báo hồi tháng 4. Phía ADB thậm chí còn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 mức 6,9%.

Năng lực ứng phó nâng cao

Viện trưởng CIEM ông Nguyễn Đình Cung cũng nhận định: “Tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất, v.v.) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đáng chú ý, báo cáo của CIEM còn cho thấy chất lượng tăng trưởng đang ổn định và đúng hướng. Tăng trưởng dựa nhiều hơn về phía cung.

Cụ thể, trong Quý III, xu hướng gia tăng đầu tư tiếp diễn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ 2017 và 21,6% so với quý II. Tỷ lệ đầu tư so với GDP đạt 35,9% trong quý III và 34,0% trong 9 tháng đầu năm. Giải ngân vốn trái phiếu chính phủ trong 9 tháng đầu năm tăng tới 89,1%.

Khu vực ngoài nhà nước tiếp tục đóng góp chủ yếu vào mở rộng đầu tư, với mức tăng nhanh nhất và tỷ trọng lớn nhất. Trong khi đó, tốc độ tăng đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn so với khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. 

“Từ những yếu tố như vậy, tôi nhìn thấy cách thức tăng trưởng tốt lên. Tăng trưởng đã không dựa vào khai thác khoáng sản hay mở rộng cung tiền tệ, mà dựa nhiều hơn vào phía cung của nền kinh tế, dựa vào tăng năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực”, ông Cung nhận định. Đồng thời cho rằng, 

Đặc biệt, ông Cung nhận định, tăng trưởng theo hướng này sẽ tạo sự ổn định, bền vững cho nền kinh tế. Và cũng chính từ nền tảng này, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2018 đã đạt được những kết quả rõ nét.

Điều này tương đồng với Dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ. Theo Dự thảo Báo cáo, tăng trưởng kinh tế đang chuyển sang chiều sâu. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng ngày một lớn. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khai khoáng, vai trò của khu vực tư nhân gia tăng…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều thách thức với tăng trưởng. “Chất lượng tăng trưởng có thay đổi, song chưa đáng kể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn rất thấp”, TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, nhận xét.

Do đó, tại Dự thảo báo cáo, Chính phủ cũng nhìn nhận cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thông qua ổn định vĩ mô, cải thiện nền tảng kinh tế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thy Hằng