“Nông nghiệp chính ngạch”
Trung Quốc bắt đầu thực hiện lộ trình siết nhập khẩu nông thủy sản tiểu ngạch của Việt Nam bằng việc từ 01/5/2019 buộc phải quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu.
Hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ nông dân liệu có “liêu siêu” với lộ trình này khi đây là thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất của Việt Nam? Và câu chuyện liên kết bốn nhà lại bắt đầu phải nhìn lại.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) nhận định, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Tuy nhiên, có đến 60% - 70% nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
- Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, lộ trình áp dụng sẽ tác động như thế nào tới các mặt hàng nông sản Việt, thưa ông?
Trung Quốc lâu nay là thị trường lớn của nông sản Việt, thị trường 1,4 tỷ dân luôn là đích nhắm của nhiều quốc gia không riêng Việt Nam. Tuy nhiên tư duy thị trường Trung Quốc là “dễ tính” khiến sản xuất nông sản Việt trở nên “dễ dãi”, hệ quả là yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc vừa tăng lên đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đơn cử với trái cây nhập khẩu vào thị trường này phải có thông tin truy suất nguồn gốc mã số vùng trồng và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải cung cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho Cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc.
Các doanh nghiệp và HTX sẽ đăng ký thông tin cho địa phương, sau khi xác nhận Mã số vùng trồng sẽ được các địa phương đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan Bộ NN&PTNT sẽ gửi sang cho phía Hải quan Trung Quốc, đồng thời cập nhật trên website cơ quan chuyên ngành. Phía cơ quan nhập khẩu của Trung Quốc sẽ căn cứ vào các Mã số vùng trồng này để cho hàng hoá thông quan. Được biết hiện có khoảng 6.000 Mã số vùng trồng được cấp. Tuy nhiên, số liệu của Hải Quan Trung Quốc cho thấy, mới có khoảng 0,6% diện tích trồng trái cây của Việt Nam được cấp mã vùng. Đây là một thực tế Việt Nam cần quan tâm.
Cùng với đó, Trung Quốc có thêm những quy định mới về cấp giấy phép cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gạo, thay đổi cơ cấu tổ chức cơ quan kiểm dịch và Hải quan cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này.
Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Cp Tập đoàn Lộc Trời: Sự thay đổi yêu cầu của thị trường Trung Quốc có lý do chính đáng và cũng là xu thế, yêu cầu tất yếu. Phải chấp nhận thực tế rằng với Trung Quốc việc “nắng mưa” như vậy là bình thường. Dự báo, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này sẽ giảm 30% cùng với đó, các chuyến tàu và container sẽ có chi phí tăng cao hơn khoảng 30-40%, vòng quay vốn tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Trước hết, với nông dân và doanh nghiệp Việt thời gian tới phải giảm giá thành đầu vào sản xuất thông qua xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất. Cần phân vai giữa ba nhà là ba đỉnh tam giác nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững. Ngoài ra, bốn nhà phải bàn lại cách “làm ăn” với người Trung Quốc. Vì nếu chúng ta cứ lệ thuộc thì khó giữ ổn định trong nước. Đặc biệt, sản xuất phải chú trọng nâng sức cạnh tranh từ các tiêu chuẩn chất lượng và giá thành. Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam: Điệp khúc được mùa mất giá hay nông sản phải chất đống chờ giải cứu là hệ quả của việc nông dân sản xuất không theo nhu cầu thị trường. Tư duy cứ sản xuất tự phát, lượng bao nhiêu, giá đắt rẻ thế nào có thể mang ra chợ đen có thương lái Trung Quốc bao tiêu hết khiến bức tranh sản xuất “dễ dãi” không tiêu chuẩn. Thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói và chứng nhận an toàn thực phẩm là khoảng trống mà nông dân gặp phải. Do đó, giải pháp cần tiến tới xây được bản đồ nông sản, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất nâng tổng sản lượng và chất lượng, xây dựng được chỉ dẫn địa lý và truy suất nguồn gốc. Xây dựng chuỗi liên kết nông dân với doanh nghiệp qua HTX để sản xuất có quy trình đảm bảo chất lượng. Qua đó, các HTX và người dân nông nghiệp đánh giá thị trường, sản xuất theo yêu cầu và tiêu chuẩn thị trường đó. Dần dần, không chỉ Trung Quốc, tất cả các thị trường sẽ siết các quy định tiêu chuẩn, đây là khó khăn trước mắt nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi cách thức quy trình sản xuất và giám sát chất lượng. TS Nguyễn Quốc Toản, Cục Trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT: Thị trường Trung Quốc hiện chiếm 81% giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam, đặc biệt có đến 70% lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch rất bấp bênh. Tuy nhiên, yêu cầu siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch của phía bạn không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bù lại, phía bạn đang mở rộng cửa, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu nông sản đi theo đường chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3%-4%. Lâu dài, xây dựng chuỗi liên kết là giải pháp trọng tâm, hiện Bộ đã chỉ đạo xây dựng chuỗi liên kết với từng ngành hàng và từng sản phẩm, đảm bảo được đầu ra và an toàn thực phẩm kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Bản thân doanh nghiệp cũng cần thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác phía Trung Quốc nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại, đảm bảo đầu ra ổn định. Việc các nước gia tăng áp dụng biện pháp kỹ thuật là xu hướng tất yếu. |
Về lâu dài chắc chắn yêu cầu về Mã vùng trồng sẽ không đơn giản. Theo tiêu chuẩn của nhiều nước phát triển, Mã số vùng trồng sẽ bao gồm cả các tiêu chuẩn về giống, quy trình sản xuất cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…đây mới thực sự là thách thức với doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.
-Vậy, giải pháp trọng tâm ở thời điểm trước mắt và lâu dài để nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc là gì, thưa ông?
Trước tiên cần tổ chức các hội thảo, hội nghị cập nhật tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp các quy định mới về xuất khẩu sang Trung Quốc đối với tất cả các mặt hàng nhất là với sản phẩm trái cây.
Quan trọng hơn, đẩy nhanh việc cấp Mã vùng trồng cần được tiến hành nhanh đáp ứng các yêu cầu về truy suất nguồn gốc của Trung Quốc. Vấn đề này nằm ở các địa phương rà soát và phải làm rất nhanh. Làm rõ tiêu chuẩn khi cấp Mã vùng trồng với các yêu cầu về diện tích, giống, quy trình và thuốc BVTV. Giám sát vùng trồng.
Các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin thị trường, làm việc với các đối tác để chủ động sản xuất. Hiện nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh làm việc với các cơ quan quản lý của Trung Quốc, đặc biệt là Tổng cục Hải quan để đề nghị mở cửa thị trường sản phẩm trái cây cho phép xuất khẩu chính ngạch và đề nghị Trung Quốc xem xét bổ sung danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, tinh bột sắn vào thị trường Trung Quốc, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức diễn đàn đối thoại, trao đổi với các nhà quản lý, doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là với các tỉnh biên giới như Quảng Tây, Quảng Đông.
Về lâu dài, cần phải tổ chức xây dựng các vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững đáp ứng yêu cầu chất lượng và truy suất nguồn gốc của Trung Quốc một cách bài bản như đúng với yêu cầu xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ. Số hóa các mã số vùng trồng trên hệ thống bản đồ GIS để tiện cho việc theo dõi quản lý, giám sát và kinh doanh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đề án đầu tư phát triển các trung tâm logistics (kho lạnh, sàn giao dịch, bảo quản chế biến) trung chuyển hàng tại một số tỉnh có cửa khẩu lớn với Trung Quốc, có thể theo hình thức PPP.
Đồng thời, cần phải xây dựng nhóm chuyên nghiên cứu về thị trường Trung Quốc chia sẻ thông tin thường xuyên về thương mại, cập nhập các chính sách quản lý của phía Trung Quốc để kịp thời đưa ra các đối sách và thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn Ông!