Động lực mới hợp tác Việt Nam - Thụy Điển
“Nguồn vốn cũng như các giải pháp đổi mới sáng tạo của Thụy Điển sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Nhận định trên được TS Vũ Tiến Lộc đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Thụy Điển - Việt Nam: Đối tác vì sự phát triển bền vững và sáng tạo do Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
“Luồng gió mới” trong đầu tư
Theo khảo sát của Đại sứ quán Thụy Điển cho thấy, 73% các doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng hoạt động trong 3 năm tới và có tới 85% DN cho rằng, họ sẽ tăng doanh thu trong 3 năm tới.
Đồng thời nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tham gia hội nghị cũng đánh giá, Việt Nam không chỉ là thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia và trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai. Như vậy, triển vọng đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam là rất lớn.
Trao đổi bên lề Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc đã nhận định, các nguồn vốn của Thụy Điển tuy vẫn còn hạn chế về số lượng, nhưng là những nguồn vốn có chất lượng cao, mang tính chất định hướng. Đi kèm với đó, giải pháp, văn hóa ứng xử đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với kinh nghiệm phong phú là yếu tố cần thiết cho doanh nghiệp Việt và là bước đệm để Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế.
Do đó, tăng cường cơ hội hợp tác với Thụy Điển sẽ trở thành một “luồng gió mới” cho đầu tư FDI tại Việt Nam và “thời điểm vàng” để thúc đẩy việc hợp tác và thu hút nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao đã đến!
Theo đó, Việt Nam đang nuôi dưỡng những tham vọng lớn cho tương lai và hiện ở vị thế rất tốt để hiện thực hóa những tham vọng đó.
Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng kêu gọi thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hợp tác phát triển bền vững như xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, năng lượng, công nghệ cao.
Thụy Điển là một đối tác tin cậy và tiếp tục duy trì một mối quan hệ có một không hai với Việt Nam khi đã và đang là nhà tài trợ song phương đầu tiên trong các lĩnh vực: quản trị địa phương, cải cách tư pháp, báo chí truyền thông, minh bạch, chống tham nhũng, bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Cụ thể, Chủ tịch VCCI đã chia sẻ, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Đối tác công tư, hiện nay chính phủ Việt Nam đang quan tâm đến vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.
“Phát triển kinh tế đang tạo ra những thách thức cho toàn cầu như: Ô nhiễm nước, không khí, đa dạng sinh học bị đe dọa, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng, nhu cầu nước ngày càng tăng, quản lý chất thải ngày càng phức tạp. Do đó, thực hiện mục tiêu triển bền vững cũng chính là tầm nhìn và triết lý chung của hoàng gia, chính phủ Thụy Điển, và cũng là đường lối chung của Đảng, chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp của hai bên trong thời đại mới”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đồng thời, TS Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh: Nhận thức được các chuỗi giá trị chọn đối tác, người tiêu dùng chọn sản phẩm và dịch vụ, người lao động chọn nơi làm việc... sẽ giúp doanh nghiệp hướng tới các giá trị có tính chất nhân văn, bền vững chứ không chỉ quan tâm tới các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
EVFTA – chiếc chìa khóa vàng
Các chuyên gia nhận định, khi tình hình thế giới có nhiều biến đổi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến thất thường đã làm nhiều nhà sản xuất, nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc tìm kiếm các thị trường mới ổn định hơn.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, ông Bernd Lange thông tin, “chiếc chìa khóa vàng”- Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể được phê chuẩn vào tháng 6, tháng 7 tới, sau khi Nghị viện châu Âu (EP) kết thúc bầu cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Do đó, Việt Nam đang tiến dần đến việc nắm trong tay “chiếc khóa vàng” để mở cánh cổng thu hút các nguồn vốn từ châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng - mội đối tác lớn của Việt Nam.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất hào hứng mong chờ Hiệp định EVFTA được thông qua. Để nhanh chóng thúc đẩy quá trình này, Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục mở cửa, hội nhập mạnh mẽ, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số lĩnh vực, như môi trường kinh doanh, nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Tính đến tháng 12/2018, Thụy Điển đang đứng thứ 34/130 vùng lãnh thổ và quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 34 dự án tổng giá trị đạt gần 350 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển tăng trưởng đều đặn, đạt khoảng hơn 1 tỷ USD trong năm 2018 là con số không nhỏ nếu nhìn vào quy mô thị trường của bạn chỉ với 10 triệu dân.
Đặc biệt, những tên tuổi lớn trên thế giới đến từ Thụy Điển cũng đều có mặt tại thị trường Việt Nam từ khá lâu như ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak hay Electrolux. Trong những năm gần đây là sự nổi lên của những tên tuổi như H&M, Spotify, Skype hay IKEA...