Chuyên gia ngoại “hiến kế” để Việt Nam thịnh vượng
Nhiều chuyên gia ngoại khẳng định để tiến đến con đường thịnh vượng, Việt Nam cần tạo cải thiện môi trường kinh doanh, sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân...
Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động” đang diễn ra tại Hà Nội.
Cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân
Ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng, trên con đường đến với thịnh vượng, Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo.
"So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm", ông David Dollar khẳng định.
Ông Dollar lưu ý Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo. So với các nước ASEAN và Trung Quốc, chỉ số thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khá tốt. Việc Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt so với các quốc gia cùng nhóm thu nhập bình quân đầu người có thể là cơ sở tốt để Việt Nam thu thú thêm đầu tư nước ngoài.
Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt và để làm được điều này buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách.
So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây trở thành nghịch lý trong phát triển ở Việt Nam, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển.
Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện những năm qua, nhưng vẫn còn những yếu kém, đơn cử quy trình phá sản còn phức tạp gây khó khăn để doanh nghiệp tuyên bố phá sản và tăng quy mô thông qua hợp nhất doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
VRDF 2019: Việt Nam cần làm gì để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình"?
11:24, 19/09/2019
TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam hóa rồng”
11:05, 19/09/2019
Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công nhưng cần cải cách táo bạo
10:24, 19/09/2019
Việt Nam có thể nghiên cứu kết quả phát triển toàn cầu để ứng dụng vào phát triển đất nước, chẳng hạn như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc trong tăng cường giá trị xuất khẩu. Ngay nước láng giếng Trung Quốc cũng rất thành công trong việc tăng giá trị xuất khẩu của khu vực tư nhân, biến nó trở thành nguồn lực quan trọng đảm bảo thành công, tạo thêm nhiều việc làm.
Xét đến chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam là ví dụ điển hình trong mở cửa thị trường sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chế biến chế tạo và lâu nay chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm hữu hìn. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện xu hướng xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm xuất khẩu thương mại và dịch vụ như tài chính, viễn thông, sản phẩm thông minh, phần mềm…
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Theo GS Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), xây dựng nền kinh tế công nghệ thông tin cũng là một trong những cách đưa Việt Nam thành hổ, thành rồng.
Ông Chung cho biết, Hàn Quốc từng là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới với thu nhập quốc dân (GNP) bình quân đầu người là 82 USD, chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 60% việc làm...
Theo đó, trong những năm 1970 nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng bình quân hàng năm cao 10,1%, nhưng thập niên 1980 tăng trưởng còn 8,6% và thập niên 1990 là 7,7%. Nhận thấy tăng trưởng theo chiều hướng đi xuống, Hàn Quốc quyết định chuyển hướng tăng trưởng dựa vào công nghệ thông tin.
Đầu những năm 80, Hàn Quốc rất quan tâm phát triển công nghệ thông tin vì đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh công tác R&D dựa trên khu vực tư nhân.
"Chúng tôi sớm nhắm vào mục tiêu ưu tiên những công nghệ có tiềm năng thương mại lớn hơn, những dự án lớn có thể hợp tác liên bộ... Qua đó, đưa Hàn Quốc là “đối thủ” lớn về công nghệ thông tin trên toàn cầu", Giáo sư Chung chia sẻ.
Theo Giáo sư, nguồn nhân lực là chìa khóa để hiện thực hóa nền kinh tế CNTT. Trong nền kinh tế CNTT, chúng ta cần “lực lượng lao động tri thức” chứ không phải “lực lượng lao động công nghiệp”. Một quốc gia phải được chuẩn bị về mặt công nghệ để thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế CNTT. Tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua R&D và học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn.
Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế CNTT, theo ông Chung, Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong quá trình thiết kế chính sách mà cả khi xây dựng cơ sở hạ tầng.
"Kinh nghiệm Hàn Quốc chứng minh rằng cạnh tranh cũng mang lại hiệu quả trên thị trường dịch vụ truyền thông. Đồng thời, nên khuyến khích tư nhân hóa và tự do hóa các ngành thông tin và truyền thông", Giáo sư Chung nói.