Sản xuất nông nghiệp không liên kết sẽ thua ngay trên sân nhà
Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại diễn đàn MeKong Connect 2019.
Theo Thứ trưởng Doanh, trong bối cảnh nước ta đã gia nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu thì “từ khóa liên kết sản xuất” không chỉ xuyên suốt trong nông nghiệp mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác. Riêng về sản xuất nông nghiệp, ngay từ Đại hội VI của Đảng đã xác định, phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cho đến nay, khu vực kinh tế tập thể đang phát triển rất nhanh, có 57% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, đóng góp lớn cho nền kinh tế và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Diễn đàn Mekong Connect là sáng kiến hay nhằm tăng cường sự gắn kết giữa 4 địa phương trong vùng ĐBSCL để cùng nhau liên kết trên nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần. Diễn đàn cũng là cơ hội tốt để kết nối kết nối giữa các khu vực tư nhân với để cùng nhau phát triển. Do diện tích đất sản nhỏ lẻ, manh mún, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thiếu gắn kết với nhau. Do vậy, sự liên kết và chia sẻ tại diễn đàn sẽ góp phần phát huy thế mạnh lẫn nhau, liên kết sản xuất cũng chính là “chìa khóa” đưa vùng ĐBSCL từ vùng nông nghiệp giản đơn tự túc, tự cấp lên nền sản xuất hàng hóa, vươn tầm thế giới”, Thứ trưởng Doanh nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng bên cạnh đẩy mạnh liên kết sản xuất thì việc điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu các loại mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Ông Hiếu dẫn chứng, khi nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (ban hành nghị định 107 năm 2018 thay thế nghị định 109 năm 2010) được thay đổi theo hướng bãi bỏ hàng loạt điều kiện như quy định về kho bãi hay nguồn gạo bắt buộc dự trữ lưu thông đã giúp thay đổi tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2019 khởi sắc hơn năm 2018.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cảnh báo cơ hội lúc nào cũng đi liền với thách thức, các FTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu thuận lợi hơn nhưng ở chiều ngược lại cũng như vậy, do đó mức độ cạnh tranh của các nhà sản xuất trên cùng sản phẩm sẽ khốc liệt hơn.
Diễn đàn Mekong Connect diễn ra trọn một ngày 7/11 với rất nhiều nội dung, nổi bậc là 4 phiên chia sẻ thảo luận dựa theo thế mạnh từng địa phương: Tỉnh An Giang: Ứng dụng công nghệ - kết nối chuỗi giá trị, giảm rủi ro cho nông sản; Tỉnh Bến Tre: Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa Tỉnh Bến Tre: Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa; TP. Cần Thơ: Diễn biến và Xu hướng thị trường nông sản ĐBSCL; Tỉnh Đồng Tháp: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: MeKong Connect không chỉ thúc đẩy, gắn kết với các nhà khoa học, với nông dân hình thành những hội ngành hàng mà còn là cơ hội tốt để kết nối mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL, gợi mở, kiến nghị những chính sách vi mô, vĩ mô, những chiến lược phát triển ngắn và dài hạn giúp ĐBSCL mạnh lên.
Mekong Connect hình thành từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng gồm 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp nên được gọi là gọi là ABCD Mekong, trong đó có vai trò kết nối, hỗ trợ tổ chức của Hội DN. HVNCLC, Trung tâm BSA và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC.