Cần có cơ chế, quy định về thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực môi trường
Hiện nay, những vấn nạn ô nhiễm môi trường của Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống của người dân, không chỉ ở các thành phố mà các địa phương cũng có nhiều bức xúc.
Ở nhiều địa phương, các vấn đề môi trường thường xảy ra như ô nhiễm nguồn nước - thường do các cơ sở sản xuất trực tiếp xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Khi xảy ra ô nhiễm môi trường, ngoài những thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do ô nhiễm nguồn nước thì chính sức khỏe, tính mạng người dân cũng đang bị đe dọa. Bởi ô nhiễm môi trường mang những yếu tố độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư sống trong khu vực bị ô nhiễm.
Chính vì vậy, cần thiết phải có một kênh kết nối về các vấn đề môi trường để thông tin được phản ánh sớm nhất, hiệu quả nhất. Chia sẻ về giải pháp giải quyết nhu cầu trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Dũng (Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường) cho biết: hiện nay, Trung tâm đang xây dựng một website để tiếp nhận thông tin, đưa ra quy trình xử lý và trả lời, công bố thông tin về các vấn đề môi trường từ cộng đồng.
Ngoài việc tiếp nhận thông tin góp ý, phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực môi trường, qua kênh kết nối đa phương tiện cũng sẽ có những công bố và cung cấp thông tin cho cộng đồng những giải pháp đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới để khắc phục, hạn chế những tác động xấu về môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dữ liệu môi trường thì “cần xây dựng các cơ chế, quy định về thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực môi trường để điều chỉnh hoạt động của hệ thống theo đúng định hướng, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo hoạt động thông suốt, phát huy sức mạnh tập thể.”
Đây là yêu cầu thực sự cần thiết, đảm bảo cho hệ thống hoạt động ổn định, thiết thực, mang lại giá trị sử dụng, là kênh thông tin đáng tin cậy cho các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về môi trường các cấp, phù hợp với tình hình thực tế để có kế hoạch, biện pháp xử lý các vấn đề môi trường.
Bên cạnh đó cần có những quy định việc thu nhận, xử lý, phản hồi thông tin môi trường từ người dân, doanh nghiệp. Phối hợp giữa các đơn vị trong tổng cục Môi trường, các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương.
Việc ra đời hệ thống kênh kết nối đa phương tiện để phản ánh về vấn đề môi trường là một giải pháp để phát triển bền vững. Bởi các vấn đề về môi trường nếu chỉ dựa vào kênh quản lý hành chính của Nhà nước chắc chắn sẽ không thể quản lý hiệu quả nhất, do đó, cũng cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư…tham gia vào công tác phản ánh, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường.