Cùng chung tay phục hồi rừng

PH 07/06/2021 17:01

Quỹ hỗ trợ xây dựng môi trường xanh Việt Nam đã trích nguồn thu từ phát hành sách để đồng hành cùng Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng VN trong Dự án Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh.

Quỹ hỗ trợ xây dựng môi trường xanh Việt Nam (GVF) - đơn vị phát hành bộ sách về doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên - đã trích nguồn thu từ phát hành sách để đồng hành cùng Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) trong Dự án “Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh”.

Song song với việc trồng và chăm sóc cây là giúp lan tỏa, vun đắp ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định về khai thác tài nguyên thiên nhiên

Quỹ hỗ trợ xây dựng môi trường xanh Việt Nam đã trích nguồn thu từ phát hành sách để đồng hành cùng Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng VN trong Dự án Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh.

Quỹ hỗ trợ xây dựng môi trường xanh Việt Nam đã trích nguồn thu từ phát hành sách để đồng hành cùng Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng VN trong Dự án Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính năm 2020, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha và tỷ lệ che phủ rừng là 42%, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Tuy nhiên, tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh.

Đáng nói hơn, nạn chặt phá rừng đang trở thành một vấn nạn không dễ gì khắc phục do tính phức tạp của vấn đề (gắn với lợi nhuận cao, sinh kế của người dân bản địa…) và sự tắc trách của một số địa phương. Gần đây nhất, chỉ tính riêng tháng 2/2021, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có gần 59 nghìn ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm; tính chung cả 2 tháng đầu năm 2021 diện tích rừng bị chặt, phá là 118 nghìn ha.

Sự suy giảm nhanh chóng diện tích và chất lượng rừng đầu nguồn đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội và đời sống con người. Hậu quả của việc những cánh rừng làm nhiệm vụ che chắn “biến mất”, là các hiện tượng thời tiết cực đoan - hậu quả của biến đổi khí hậu – với diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Lũ lụt thường xuyên ở miền Trung, lũ ống, lũ quét ở miền Bắc, hạn mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… chỉ là một số tác động mà chúng ta đã phải chứng kiến và hứng chịu, do hậu quả của phá rừng và hủy hoại thiên nhiên.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện về việc trồng rừng và bảo vệ rừng không chỉ là hoạt động thiết thực mà còn là vô cùng cấp thiết. Bởi vì, dù nỗ lực và bền bỉ đến mấy, phải sau hàng chục năm, chúng ta mới có thể “tái tạo” lại những cánh rừng như cũ. Bên cạnh đó, trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng, gắn liền với sinh kế của người dân làm nghề rừng.

Nhận thức được những vấn đề này, sau khi quan sát hoạt động của VARS, đặc biệt là việc VARS trồng thành công 8,3 ha rừng ở Bản Kè ( Lâm Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình), GVF đã quyết định đồng hành cùng VARS trong Dự án “Cùng Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh”. Chương trình bắt đầu từ năm 2021 với việc trồng, chăm sóc 5 hecta rừng trong khuôn khổ một trăm ha sẽ được VARS trồng cùng với bà con người dân tộc Mã Liềng và các cộng đồng hiện sinh sống đầu nguồn Sông Gianh thuộc các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) và với bà con dân tộc Cơ Tu hiện đang sinh sống tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam).

Tiếp đó, GVF sẽ đồng hành cùng VARS trong 5 năm (2022- 2027) để trực tiếp trồng rừng tại các chương trình do VARS triển khai với cam kết mỗi năm không ít hơn 5 ha. Mục tiêu mà Quỹ đặt ra là không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tái tạo những cánh rừng đầu nguồn… mà còn đánh thức và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Qũy Hỗ trợ xây dựng môi trường Xanh Việt Nam – cho biết: “Con người lấy đi của rừng, hơn cả những cái cây mà còn là sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái... Vì thế, bằng hành động của mình, chúng tôi muốn góp phần bù đắp lại cho rừng, không chỉ là những cây xanh mà xa hơn còn là bồi hoàn đa dạng sinh học, nâng cao ý thức cộng đồng về phát triển bền vững... Chúng tôi chọn VARS vì sự chung chí hướng và mục đích đó!”

Có thể thấy, thiên tai là một trong những đáp trả của thiên nhiên cho sự tàn phá của con người, và trồng rừng là một cách để chúng ta “trả nợ” thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Môi trường Xanh Việt Nam, ngoài việc trích kinh phí thu được từ phát hành bộ sách doanh nhân để tham gia vào dự án phục hồi rừng, cùng với các khoản tài trợ khác từ Chủ tịch Qũy- bà Đỗ Thị Kim Liên- chúng tôi vô cùng kỳ vọng, sẽ có thêm nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức cùng chung tay góp sức trên hành trình dài này!

PH