TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 2138/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm an ninh tài nguyên nước trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch nêu rõ về chức năng nguồn nước, trong đó, các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia trên lưu vực sông Srêpốk gồm: Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpốk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp có chức năng sử dụng cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, du dịch, kinh doanh dịch vụ, thủy điện, giao thông thủy.
Các nguồn nước dưới đất trên lưu vực sông Srêpốk có chức năng sử dụng cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới cây công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ.
Việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học phù hợp với chức năng nguồn nước trong kỳ Quy hoạch. Cụ thể, quản lý chặt chẽ rừng đầu nguồn, phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng là nguồn sinh thủy trên lưu vực sông, đặc biệt là tại thượng lưu các sông Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpốk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp.
Quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, suối gồm: Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpốk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp. Các dự án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không được gây cản trở dòng chảy, thu hẹp quá 5% bề rộng lòng sông. Các sông, suối khác căn cứ vào tầm quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều hòa, cảnh quan môi trường cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, quyết định việc quản lý không gian tiêu thoát nước cho phù hợp.
Quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải, thu gom, xử lý nước thải đô thị xả vào nguồn nước để bảo đảm chức năng nguồn nước theo quy định; công bố, quản lý chặt chẽ danh mục các hồ, ao không được san lấp, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học.
Về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông và sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất, thực hiện biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; nghiên cứu sự biến đổi lòng dẫn, quy luật tự nhiên tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, không để phát sinh hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sạt, lở bờ, bồi lấp sông, suối.
Thực hiện việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, dừng khai thác nước dưới đất đối với các vùng đã xảy ra sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất và không xây mới các công trình khai thác đối với vùng liền kề, vùng đã xảy ra sụt, lún đất; có kế hoạch, lộ trình điều chỉnh khai thác nước dưới đất hợp lý tại những khu vực có nguy cơ sụt lún, ô nhiễm, hạ thấp mực nước quá mức./.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine
20:50, 22/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025
20:45, 22/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về đấu nối vào đường quốc lộ
20:40, 22/12/2021