TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chỉ định cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

BBT 10/03/2022 20:25

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 328/QĐ-TTg chỉ định cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

Về các cơ quan đầu mối thực hiện các Chương của Hiệp định RCEP, Phó Thủ tướng chỉ định Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương 1 - Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung; Chương 3 - Quy tắc xuất xứ; Chương 7- Phòng vệ thương mại; chương 8- Thương mại dịch vụ; Chương 13 - Cạnh tranh;...

Đối với Chương 2 - Thương mại hàng hóa, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công Thương (đối với các nội dung về thuế nhập khẩu của các nước thành viên RCEP, quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu); Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế nhập khẩu của Việt Nam); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các nội dung liên quan đến nông sản).

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì thực hiện Chương 4 - Các thủ tục hải quan và Thuận lợi hóa thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Chương 5 - Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Với Chương 11 - Sở hữu trí tuệ, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với các vấn đề chung, nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với nội dung liên quan đến quyền với giống cây trồng).

Phó Thủ tướng cũng chỉ định các cơ quan đầu mối để tiếp nhận, trao đổi thông tin và đầu mối liên lạc với các nước Đối tác; chỉ định các cơ quan đầu mối tham gia các Ủy ban thực hiện Hiệp định RCEP...

Trong quá trình triển khai Hiệp định, trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

* Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • VBF 2022: Kỳ vọng vào những thay đổi tích cực từ RCEP

    VBF 2022: Kỳ vọng vào những thay đổi tích cực từ RCEP

    04:49, 23/02/2022

  • RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực

    RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực

    00:06, 02/01/2022

  • Cơ hội từ RCEP

    Cơ hội từ RCEP

    04:30, 01/01/2022

  • Cấp thiết thành lập Hội đồng tư vấn kinh doanh RCEP BAC

    Cấp thiết thành lập Hội đồng tư vấn kinh doanh RCEP BAC

    15:54, 20/10/2021

BBT