“Phá” trần chi phí lãi vay
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc áp trần chi phí lãi vay thuần 20% của Việt Nam chưa tiệm cận với thế giới.
Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Hiện chi phí lãi vay đang được khống chế ở mức 20%.
- Sau gần 2 năm thực hiện, ông đánh giá như thế nào về những hạn chế và bất cập của Nghị định 20/2017/NĐ-CP?
Sau hơn 2 năm thực hiện, bên cạnh việc đã phát huy vai trò quan trọng trong quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết, hạn chế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thì Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung, nhất là quy định hạn chế lãi vay trong quản lý giao dịch liên kết.
Khoản 3 Điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Mục tiêu ban hành Nghị định 20 là nhằm chống thất thu thuế tại Việt Nam thông qua các giao dịch chuyển giá qua biên giới quốc gia, trong đó có giao dịch chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, trên thực tế so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay. Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, khiến không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Hơn nữa, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Nghị định 20/2017 áp dụng chung cho cả doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt.
Thêm vào đó, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
- Mới đây, Bộ Tài chính đã gợi mở hướng sửa đổi Nghị định này. Theo đó, có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ông đánh giá sao về điều này?
Việc khống chế trần 20% sẽ khiến các doanh nghiệp FDI không báo cáo lỗ như trước và phải nộp thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng bị quy định này ảnh hưởng khi vay vốn ngân hàng để hoạt động.
Để xác định được một mức chi phí lãi vay vừa đáp ứng được việc chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp nước ngoài, vừa đảm bảo được quyền lợi cho các doanh nghiệp còn lại thì cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động đối với việc thay đối đó.
Theo đó, cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng để có được một giải pháp đúng đắn đảm bảo công bằng quyền lợi cho tất cả các doanh nghiệp.
- Các nước trên thế xử lý vấn đề này như thế nào? Việt Nam có thể học gì từ họ, thưa luật sư?
Kết quả khảo sát báo cáo tài chính năm 2016 – 2017 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy nhiều doanh nghiệp uy tín của Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản, đã có chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20% rất sâu. Ví dụ Hoàng Anh Gia Lai (52%), Vingroup (21%), Thủ Đức House (24%), Novaland (28%)…
Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển đang khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%. Ví dụ, tại ASEAN, Indonesia cũng đang dự kiến tỷ lệ này ở mức 30%. Do đó, việc áp trần 20% của Việt Nam là có học hỏi nhưng chưa tiệm cận với thế giới.
Do đó, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các nước bạn các quy định và thông lệ quốc tế, khảo sát đánh giá mô hình hoạt động, thực trạng cơ cấu vốn, chu kỳ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP để vừa chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận theo khuyến nghị của OECD, đồng thời phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước huy động vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Nhưng, rõ ràng, để chống chuyển giá thì việc tính toán một mức trần lãi suất thôi là chưa đủ. Vậy, theo ông về lâu dài, đâu là giải pháp chống chuyển giá hiệu quả?
Liên quan đến chống chuyển giá, trước đây và cho đến hiện tại chúng ta có Luật Đầu tư. Nhưng rõ ràng phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư khá rộng, và chống chuyển giá không phải là một vấn đề mà Luật Đầu tư tập trung xây dựng. Chuyển giá có tính hệ thống chứ không phải chỉ ở lĩnh vực đầu tư và bản chất của nó ở “giá” chứ không phải “vốn”, nên chống chuyển giá không thể cắt khúc bằng việc sửa Luật Đầu tư hay luật nào đó có liên quan để bịt lỗ hổng được.
Có thể bạn quan tâm
Gánh nặng trần chi phí lãi vay
11:00, 06/12/2019
Nới hay bỏ trần chi phí lãi vay?
05:00, 02/12/2019
Tranh cãi “nảy lửa” áp trần chi phí lãi vay 20%
06:30, 15/12/2018
"Ngấm đòn" với khống chế chi phí lãi vay
12:05, 14/12/2018
Do tính chất và mức độ nghiêm trọng của chuyển giá, cũng như tác động tiêu cực của chuyển giá tới kinh tế - xã hội của nước ta, thì cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá. Tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong luật này, thay vì đề xuất sửa đổi các luật khác.
Đồng thời, thiết lập cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường (advance pricing agreement - APA) để chống chuyển giá. Đây là một biện pháp hiệu quả cho quản lý chống chuyển giá bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, vì đây là một cách thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về phương pháp xác định giá giao dịch, chỉ cần doanh nghiệp giao dịch dưới giá thỏa thuận, Cục thuế sẽ phát hiện ngay.
Thu hẹp các ưu đãi thuế. Chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá. Chỉ sử dụng ưu đãi thuế trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác, chẳng hạn như trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng... nên hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế.
- Xin cảm ơn ông!