Cách tiếp cận bản thân
Nếu cảm thấy mình loay hoay trong năm 2020, có lẽ bạn cần dành vài ngày đầu năm để reset lại tư duy và cách tiếp cận của bản thân
Ai cũng có lúc loay hoay. Ai cũng có khi mắc kẹt trong chính cái bẫy tư duy mà ta tự đặt ra. Ai rồi cũng có lần đóng khung giới hạn trong cái hộp xinh xinh để gửi tặng cho bản thân mình. Nếu 2020 là như thế, phải chăng ta có thể làm gì đó để giải thoát chính ta trong năm 2021? Các bạn thử suy nghĩ những cách tiếp cận này nhé.
1. Adopt a growth mindset - Xây dựng tư duy mở: chuyện này tôi nhắc rất nhiều lần trong các status của mình. Và tôi thường không làm việc được với người suốt ngày chỉ biết nói ‘không được đâu chị ơi’. The key to success is how you approach obstacles - Chìa khoá thành công là cách bạn giải quyết trở lực. Nếu chỉ ngồi đó nghĩ ra 1001 lý do không cách nào làm được thì thôi cứ ngồi đó loay hoay, đừng trách sao mình bất lực, không thay đổi được tương lai hay vận mệnh cuộc đời mình. Còn nếu muốn thay đổi, đừng nói ‘Tôi không làm được. Đây không phải sở trường của tôi. Hãy thử hỏi ‘Mình có thể làm gì để phát triển khả năng này?’ Chỉ cần thay đổi cách tư duy theo hướng luôn tồn tại giải pháp và giải pháp bắt đầu từ chính ta chứ chẳng phải là ai khác, bạn rồi sẽ đổi đời.
2. Draw a mind map action plan for 2021 - Vẽ sơ đồ tư duy kế hoạch hành động cho năm 2021: năm nào tôi cũng đi xa, dành thời gian để đánh giá lại bản thân và chuẩn bị kế hoạch cho năm mới. Mind map năm nay của tôi ở giữa là 2021, xung quanh vẽ các nền tảng khác nhau quan trọng với tôi trong cuộc sống. Có business, có cuộc sống gia đình, xã hội, sức khỏe, giải trí, và phát triển bản thân. Từ mỗi nền tảng, tôi vẽ những hành động cụ thể mình cần phải thực hiện trong năm 2021. Các bạn nên dành thời gian vẽ sơ đồ này cho bản thân. Không lên kế hoạch thì sẽ chẳng bao giờ làm được.
3. Follow up on your goals - Theo dõi mục tiêu của mình: tôi thích viết ra mục tiêu mình cần đạt được, và list những việc cần làm để đọc lại và theo dõi hàng ngày. Khi bạn kết nối thường xuyên với mục tiêu đã đặt ra, bạn sẽ biết cách theo dõi, thực hiện, và tránh cho mình sao lãng mà đi lệch hướng.
4. Focus on yourself - Tập trung vào bản thân: ngày nào mà bạn còn lo chuyện người khác, đố kỵ so sánh với người khác, đổ thừa cho người khác thì ngày đó bạn còn thật đáng thương và đau khổ. Khi ta bắt đầu hỏi mình bản thân cần làm gì, cần thay đổi gì, cần học hỏi gì để ảnh hưởng tương lai, khi bạn quay về tập trung vào những việc tôi có thể làm, đó là lúc hành trình cuộc sống của bạn trở nên tích cực.
5. Know your why - Biết rõ tại sao bạn làm việc bạn đang làm: khi ta làm mà chẳng hiểu tại sao, ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Lấy ví dụ học tiếng Anh đi chẳng hạn. Nếu bạn muốn trở thành công dân toàn cầu, bạn cần giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, nếu không thì bạn chẳng hiểu ai và chẳng ai hiểu bạn. Mà đã không hiểu thì dù bạn có tài năng hay khả năng dữ dội đến đâu, cũng đành thất chí ngồi nhà than thân trách phận. Khi có tầm nhìn lớn, làm việc nhỏ cũng trở nên đầy cảm hứng hơn.