Bị “đánh” là điều... mừng
Đầu tuần, trên trang Facebook cá nhân, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng khẳng định Bphone đang bị “đánh”,
bị đánh thậm tệ và dai dẳng. Có những kẻ nhận tiền của thương hiệu điện thoại nước ngoài để làm việc này.
Chưa biết việc Bphone “bị đánh” có thật hay không, nhưng thực tế thì trên thị trường việc “đánh” hay “bị đánh” là chuyện… hết sức bình thường, xảy ra thường xuyên và ở bất cứ đâu, bất kể quy mô. Nhiều khi, việc “bị đánh” có khi không hẳn là việc quá xấu, mà còn là tín hiệu… lạc quan.
Theo như ông Quảng: “Việc “đánh” Bphone trong nhiều năm nay là có tổ chức. Chúng tôi biết chúng còn tạo hẳn một chatbot để tự động comment 24/24 trên các diễn đàn, các bài báo để nói xấu Bphone”.
Sau khi ra đời với dòng Bphone 1, và 2 chỉ lẹt đẹt với doanh số thấp, đến Bphone 3 có vẻ đã khấm khá hơn với hơn vạn chiếc được bán. Dòng Bphone 4 (Bphone 86) vừa được ông Quảng tiết lộ “gấp đôi cùng kỳ năm trước”.
Giả sử Bphone thực sự bị đánh như lời ông Quảng nói, vậy tại sao đối thủ lại phải tấn công Bphone 4? Tại sao không tấn công Bphone từ phiên bản 1,2,3 mà đến khi có Bphone 86 mới tấn công?
Việc tấn công đối thủ cạnh tranh chỉ xảy ra trong những trường hợp có thể kể đến như: mở rộng thị phần; có sản phẩm đột phá, vượt trội; đối thủ cạnh tranh không phát triển hoặc yếu đi hoặc khi đối thủ cạnh tranh đang chuẩn bị tấn công đe dọa đến thị phần của mình. Như vậy có thể thấy, việc “đánh” (nếu có thật) là một chỉ dấu cho thấy dòng sản phẩm mới của Bkav đã có ảnh hưởng đến thị trường. Bphone có vẻ đi đúng hướng và làm đối thủ phải bận tâm.
Chưa biết sự việc sẽ đi về đâu nhưng cho dù có việc này đi chăng nữa, đây cũng là tín hiệu tốt cho hãng điện thoại non trẻ của Việt Nam. Ông Quảng có lẽ nên mừng vì điều này. Rốt cuộc các đối thủ cạnh tranh bắt đầu lo lắng và nhận thấy đối thủ đã có thể đe dọa đến thị phần của mình.