Cây xanh gãy, đổ gây chết người: Ai chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân?
Những năm gần đây tại các đô thị liên tục xảy ra tình trạng cây xanh gãy, đổ khi trời mưa gió gây tai nạn chết người khiến dư luận không khỏi hoang mang…
Hàng năm, mỗi khi mùa mưa bão đến thì tình trạng cây xanh gãy, đổ khi trời mưa gió liên tục xảy ra khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Điển hình như vụ việc một cây xanh trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bất ngờ đổ gãy đè lên nhóm học sinh khiến một cháu tử vong đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Hay mới đây nhất, tối ngày 13/6, một người đàn ông 62 tuổi đang lưu thông trên đường Tô Hiến Thành, đoạn gần siêu thị Big C (P.15, Q.10, TP.HCM) thì bất ngờ bị cành cây gãy đổ đè lên người.
Mặc dù nhiều người chứng kiến vụ việc đã chạy đến hỗ trợ, nhưng nạn nhân đã bị đè đã tử vong. Cũng tại thời điểm trên, cách hiện trường vụ tai nạn này khoảng 500 m cũng xảy ra vụ cây bất ngờ đổ sập ngay trước cổng nhà thờ nằm trên đường Tô Hiến Thành (P.14, Q.10), may mắn vụ việc không xảy ra thương vong.
Có thể thấy, sau những vụ việc hy hữu trên, một câu hỏi được dư luận đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị cũng quy định như sau: Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
Đồng thời, việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
“Như vậytrong trường hợp đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây gãy, đổ gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Trong những trường hợp này, người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... Nếu không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ… hay không như đã nêu ở trên.
“Nếu họ đã thực hiện các biện pháp theo quy định nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể xem đó là sự kiện bất khả kháng. Lúc này, đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh không phải bồi thường thiệt hại”.
Ngược lại, nếu cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thì không được xem là do bất khả kháng thì trách nhiệm bồi thường sẽ vẫn phát sinh.
“Tuy nhiên, trong mọi trường hợp cây xanh gãy gây thiệt hại cho người đi đường thì trước mắt phía quản lý nên hỗ hỗ trợ phần nào đó cho gia đình nạn nhân”, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nói.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ Nhật viện trợ xây dựng bếp ăn mẫu tại TP Hồ Chí Minh
06:06, 21/12/2019
Tp Hồ Chí Minh: Công đoàn khó khởi kiện nợ BHXH
20:59, 03/08/2019
Đám ma ở TP Hồ chí minh: Một người chết, cả khu phố đau khổ!
10:08, 06/03/2019
Chặt hạ cây phượng: Sự hoảng loạn về trách nhiệm?
05:06, 05/06/2020
Sao phải "hạ gục" nhiều cây phượng?
14:00, 03/06/2020
Có phải lỗi ở cây phượng?
13:29, 29/05/2020
Chuyện giáo dục hay chuyện “bên trong cây phượng”?
06:12, 27/05/2020