Đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã có rất nhiều nước trên thế giới trong khi có quy định xét xử trực tiếp nhưng vẫn làm trực tuyến.
Chiều 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề nghị của Toà án nhân dân (TAND) tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ, sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghiệp, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của tòa án.
“Thực tiễn thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly, hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử”, ông Tuệ cho hay.
Về điểm cầu thành phần, số lượng điểm cầu thành phần trong một phiên tòa trực tuyến trước mắt tối đa không quá ba điểm cầu. Thành phần tham gia tại điểm cầu này gồm bị cáo, người làm chứng, các bên đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật (nếu không tham gia tại điểm cầu trung tâm).
“Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được Tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra”, ông Tuệ nhấn mạnh.
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến. Về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến cũng tán thành với đề xuất TAND Tối cao.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép TAND tổ chức tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng ý rất cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến và thế giới đã làm rồi. Nhưng theo ông Vương Đình Huệ, luật hiện hành quy định “việc xét xử bằng lời nói và phải được tiến hành tại phòng xử án”, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích là “không ổn”.
Nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, quyền của công dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, sau đó trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Có thể bạn quan tâm
COVID 19 và cơ hội cho tòa án điện tử
15:40, 16/04/2020