Đề xuất giữ giá trần, bỏ giá sàn với vé máy bay
Giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa.
>>Tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), ngày 23/5.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá trần hàng không nội địa.
“Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đánh giá dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa là dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.
>>Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi
>>Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Tìm lời giải cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thành Nam trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá.
“Còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) nhất trí với quan điểm của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sản đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Đối với “mức giá 0 đồng” của hãng hàng không đại biểu Nguyễn Thị Sửu khẳng định thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng, mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.
Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng nghĩa là một hình thức ưu đãi chỉ áp dụng cho một số ít ghế cho một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp, như giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ giá sàn, nhưng cần thiết duy trì giá trần để người dân được hưởng giá không quá cao.
Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII. “Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.
“Việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không”, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Quang Mạnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
17:07, 22/05/2023
Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi
10:05, 22/05/2023
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Tìm lời giải cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp
09:06, 22/05/2023