Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp, nhằm đa dạng thêm các kênh tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DNNVV tại Việt Nam.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19 và rất nhiều rủi ro về gián đoạn kinh tế, biến đổi khí hậu và thách thức về môi trường trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã nỗ lực hết mình để có thể duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức 2,91% - nằm trong ngưỡng cao nhất toàn cầu năm 2020.
Theo đó, DNNVV luôn được chú trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng bao trùm và chuyển dịch kinh tế tại Việt Nam khi chiếm 95% tất cả các tổ chức doanh nghiệp, chiếm nửa lực lượng lao động và đóng góp xấp xỉ 40% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, trong một số những thách thức quan trọng mà DNNVV tại Việt Nam tiếp tục gặp phải đó là sự hạn chế tiếp cận tín dụng. Một nghiên cứu mới đây của John Rand và Finn Tap tại trường đại học Copenhagen cho biết khoảng 25% DNNVV đối mặt với rào cản tín dụng và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp nhỏ cao hơn 115% so với tỉ lệ cung cấp. Đây chính là lý do tại sao các thị trường tín dụng không chính thức đang đóng một vai trò to lớn đối với nhiều DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tại Hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian qua, để hiện thực hóa những đường lối, chính sách của Đảng tại Đại hội XII, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt, kịp thời để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân.
Trong đó, các Luật về đầu tư, kinh doanh đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018, đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, với hàng loạt chính sách hỗ trợ đa chiều như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tư vấn quản trị kinh doanh, công nghệ; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,...
Với mục tiêu giải quyết bài toán khó khăn về tiếp cận vốn cho DNNVV, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ với số vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Để triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV.
Qua hơn 3 năm chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các DNNVV nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều DN sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ DNNVV.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, một trong các nhiệm vụ Chính phủ đề ra là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn. Có thể thấy đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các DNNVV để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển. Qua đó khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mong muốn Quỹ Phát triển DNNVV sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp, bên cạnh triển khai tốt hoạt động ủy thác, cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại, sẽ giúp đa dạng thêm các kênh tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DNNVV trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.
Trao đổi về vấn các giải pháp tiếp cận tín dụng dành cho các DNNVV, bà Caitlin Wiesen - Antin, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chỉ ra 3 luận điểm nhằm thúc đẩy Chính phủ Việt Nam có thể mở ra tiềm năng, cơ hội cho DNNVV
Thứ nhất, cần có hiểu biết về hệ sinh thái tài chính cho DNNVV ở Việt Nam và vai trò chiến lược mà kênh cho vay mới thể để tăng cường nguồn vốn nội địa hiện có, bao gồm cả công và tư, để đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi của DNNVV.
Chính vì vậy, cơ chế cho vay mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững phải được tạo lập để tháo gỡ những rào cản tín dụng mà DNNVV gặp phải. Điều này giúp đưa ra định nghĩa rõ ràng về một kênh cho vay trực tiếp và cần được hỗ trợ bởi việc tạo lập hệ thống khung pháp lý, môi trường điều tiết có tính kích hoạt, giúp tăng sự tự tin đối với các đầu tư dài hạn.
Thứ hai, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng về nguồn tài chính xanh và bền vững để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu. Xây dựng một nền kinh tế xanh mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp tân tiến để chạm đến nguồn tài chính xanh. Điển hình như chương trình hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân sử dụng mô hình kinh doanh bền vững và các công nghệ sản xuất sạch, trong khoảng thời gian từ 2021-2025 (theo Quyết định của Thủ tướng số 1362 trong năm 2019 và kế hoạch phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân).
Thứ ba, nguồn tài chính Chính phủ hạn hẹp được dành cho những loại quỹ này nên được sử dụng một cách hiệu quả để làm chất xúc tác thu hút đầu tư to lớn từ khối tư nhân mà có thể kết hợp với các nguồn tài chính khác như tài chính công.
“Chính phủ nên tăng cường việc giới thiệu các chương trình đổi mới như tài chính xanh, mua bán cac-bon để DNNVV có thể tiếp cận nguồn tài chính mới. Cả quỹ và DNNVV cần xây dựng chuỗi dự án xanh có thể được ngân hàng tiếp nhận, cần kiến thức và kỹ năng về sản xuất xanh, mô hình kinh doanh xanh, sản phẩm xanh và thị trường xanh”, bà Caitlin Wiesen - Antin nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Trong bối cảnh COVID-19, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng, bao gồm một hỗn hợp tài chính khoẻ mạnh từ trong và ngoài nước, DNNVV có thể phát triển tiềm năng mạnh mẽ cho sự tăng trưởng năng động và bền vững tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm