Vượt “cơn gió ngược” 2023

LÊ MỸ 27/12/2022 11:00

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã đạt tăng trưởng tích cực trong năm 2022 từ nền tăng trưởng thấp 2021, tạo đà cho năm 2023, song các dự báo triển vọng năm tới đều nhấn mạnh yếu tố “khó khăn”.

>>> 27/12: Tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tổ chức Tọa đàm “Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023" vào ngày 27/12 tới tại TP.HCM.

Diễn đàn Dự báo Kinh tế - Vượt

Diễn đàn Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023  do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sẽ bắt đầu từ 13h30 ngày 27/12/2022

Khó khăn và thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 5 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

“Khó khăn” cũng là cụm từ mà trong những ngày cuối năm nay, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia chia sẻ tại nhiều diễn đàn.

Khó khăn thực tế đã hiện hữu trong năm 2022 khi mọi dự báo trước đó dường như đảo chiều do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến sự Nga– Ukraine và khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Trong năm 2022, gần như cả thế giới phải ứng phó với lạm phát, cộng hưởng cùng tiền tệ mở rộng để cứu nền kinh tế. Điều này chi phối xu hướng tiền tệ, nguồn tiền và nguồn vốn của mọi nền kinh tế trong 2022 và có thể sẽ còn kéo dài sang 2023.

Đánh giá đầy đủ và đa chiều bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ góp phần hóa giải thách thức trong năm 2023.

>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng"

Dựa nội lực để vượt khó

Tiếp nối chuỗi Diễn đàn tài chính - Chuyên đề 1 về “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững”, Chuyên đề 2 về “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động của thị trường chứng khoán”, Chuyên đề 3 về “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới”, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục tổ chức Tọa đàm Chuyên đề 4 với chủ đề: “Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023.

Tại Tọa đàm này, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế - tài chính hàng đầu và các doanh nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư phân tích nhận diện bức tranh kinh tế toàn cầu, các xu hướng và cơ hội kinh doanh cho năm tới.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, đánh giá một trong những cơ hội lớn nhất của các doanh nghiệp trong năm 2023, đó chính là trong nghịch cảnh, doanh nghiệp có động lực tái cơ cấu để thích ứng với khó khăn.

Bên cạnh đó, các nhà điều hành chính sách đã đi qua những khó khăn của cả 2 năm đại dịch và cả năm 2022 không hoàn toàn thuận lợi, nên đã có kinh nghiệm trong việc nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên vấn đề phù hợp với tình hình, phản ứng chính sách kịp thời.

Theo các chuyên gia, những vướng mắc cần nhận diện đầy đủ và tháo gỡ kịp thời ngay từ đầu năm 2023, sẽ góp phần tạo bệ phóng cho doanh nghiệp vượt mọi cơn gió ngược nhờ nội lực.

Thách thức phía trước

Đến nay, đã có khoảng 100 ngân hàng trung ương trên toàn cầu triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng lãi suất để ứng phó lạm phát, đẩy các nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái, đình lạm như một diễn biến thấy trước nhưng khó tránh. Trung Quốc, Nhật Bản hiện đang duy trì chính sách tiền tệ mở rộng và thận trọng với giữ lãi suất thấp, hỗ trợ tỷ giá hối đoái… Mặc dù vậy, hai nền kinh tế này vẫn đứng trước những khó khăn và dường như sẽ khó đi ngược dòng xu thế chung của thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, các định chế toàn cầu đã đưa ra các dự báo thận trọng, ít lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023.
Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) vào tháng 9/2022 đã cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài ở năm 2023 và lâu hơn nữa. WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng điều chỉnh vào năm 2023. Những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi tình trạng đình lạm của các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối. Đồng thời, tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu xáo động đang khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn thanh khoản và bế tắc vốn đầu tư kinh doanh, áp lực trả nợ trái phiếu 2023 tiếp tục nặng gánh…

LÊ MỸ