Phó Thủ tướng và nhiều “tư lệnh ngành” lần đầu “xông sóng” truyền hình đầu năm
Lần đầu tiên, Phó Thủ tướng Chính phủ và hàng chục Bộ trưởng, các “tư lệnh ngành” cùng người đứng đầu nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt xuất hiện trên sóng truyền hình VTC dịp đầu năm.
Đây là series phỏng vấn với tên gọi “Thông điệp đầu xuân” nằm trong chuỗi chương trình Tết do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (cơ quan trực thuộc VOV) thực hiện nhằm truyền tải những thông điệp ý nghĩa mà các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương muốn gửi gắm, chia sẻ về một năm cũ đã qua và một năm mới vừa đến.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, covid-19 tác động nhiều mặt của tới cuộc sống. Sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ cùng sự đồng lòng của người dân đã giúp Việt Nam đứng vững trước dịch bệnh, nhưng cũng cho thấy trọng trách “đi trước mở đường” của ngành tuyên giáo trong năm 2022.
Sự cảm thông, chia sẻ với những đau thương, mất mát do dịch Covid 19, hành trình dịch chuyển chiến từ “zero covid” sang “thích ứng linh hoạt” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
“Ngay trong lúc dịch bệnh khó khăn nhất, chịu những mất mát khủng khiếp nhất nhưng người dân Việt Nam vẫn không mất niềm tin”. Phó Thủ tướng nói.
Cùng với sự đau đáu của Chính phủ, hàng loạt các biện pháp giúp ổn định cuộc sống đã được triển khai.
Hoạt động “ngoại giao vacxin” được đẩy mạnh ở mức tối đa. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hoạt động này đã giúp gia tăng đáng kể lượng vacxin phòng Covid mà Việt Nam tiếp nhận trong năm 2021, góp phần cho sự thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Với nghị quyết 68, sau đấy là nghị quyết 128 của Chính phủ, những chính sách mà Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung từng đánh giá là “khẩn trương nhất”, “nhanh nhất”, “chưa từng có tiền lệ” đã giúp đa số người lao động và các người sử dụng lao động ổn định được cuộc sống, từng bước phục hồi sản xuất.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng bộc bạch mong muốn “thấu hiểu cho những chênh vênh” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, những nguy cơ đối với nhóm dễ tổn thương trong ngành nông nghiệp cũng như những người nông dân.
Với các địa phương phát triển các khu công nghiệp tập trung lượng lớn công nhân như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, quá trình chống dịch là trận chiến cam go, đòi hỏi lãnh đạo các tỉnh phải cân nhắc và đưa ra những quyết định khó khăn, những giải pháp chưa có tiền lệ.
Khi dịch xâm nhập vào các nhà máy một trong những câu hỏi được đặt ra là có nên đóng cửa khu công nghiệp để chống dịch hay là mở cửa để sản xuất. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đều chia sẻ về quá trình cân nhắc rất thận trọng này vì nếu đóng cửa các khu công nghiệp, việc đứt gãy chuỗi sản xuất, cung cứng toàn cầu là hiển nhiên, hậu quả sẽ vô cùng lớn, không chỉ đối với Bắc Ninh, Đồng Nai mà còn đối với cả nước.
Năm Nhâm Dần 2022, với Nghị quyết 43 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường đầu năm, gói hỗ trợ với quy mô 350 ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai để nâng cao năng lực phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên sóng VTC, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ cung cấp thông tin đầy thực tế về kế hoạch miễn giảm 64 nghìn tỷ tiền thuế, phí để góp phần phục hồi kinh tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu những cam kết về sự điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, đặc biệt là thúc đẩy đầu tư…
Để đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế thông suốt và vững vàng hơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn trong dân cho các dự án giao thông. Theo ông Thể, đây sẽ là trọng tâm của ngành này năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ tập trung rà soát, trình Chính phủ các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở năm 2014, trong đó có quy định rõ hơn, khả thi hơn trong phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp người lao động, công nhân có thu nhập thấp sớm có cơ hội an cư, không còn lao đao như trong đợt dịch năm 2021.
Với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vấn đề “làm sao để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, cán bộ dân tộc thiểu số” là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Hầu A Lềnh.
Bản thân là cán bộ dân tộc thiểu số, ông Lềnh cho rằng, phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là yếu tố quan trọng hàng đầu để vừa nâng cao chất lượng đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vừa bảo tồn được các nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc.
Với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, năm 2022, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch hồi phục sau dịch bệnh, việc tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp chấn hưng văn hóa chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai tiêm vacxin covid-19 cho người dân, các địa phương cần thích ứng linh hoạt để mở cửa dần trở lại cuộc sống bình thường mới - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ quan điểm này trên sóng VTC.
Tuy nhiên, ông Đam cũng nhấn mạnh: “Bình thường mới ở đây không phải như là lúc không có dịch…mà bình thường vẫn phải thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng chống dịch và kiểm soát ca mắc, đặc biệt phải luôn nhớ, không được để y tế quá tải!”
“Bước sang năm 2022, Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và nhất là những góp ý, đề xuất của khán thính giả quốc tế và bà con người Việt từ khắp nơi trên thế giới để các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng trở nên sinh động, hấp dẫn, đến gần hơn với khán thính giả, độc giả, bà con kiều bào và bạn bè quốc tế, tiếp tục xứng đáng với sự tin tưởng, tình cảm yêu mến của quý vị thính giả quốc tế và bà con kiều bào” - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ trên sóng.
“Thông điệp đầu xuân” được Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam) chuẩn bị kỹ lưỡng để phát sóng lần lượt trong các ngày từ 29 Tết cho đến hết ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần cũng chính là một trong những nỗ lực hiện thực hóa ý kiến này.
Quý vị khán giả có thể theo dõi trực tiếp series phỏng vấn này trên hệ thống truyền hình VTC, truyền hình VOV TV, kênh phát thanh VOV1 và xem lại trên hệ thống nội dung số VTC Now.