Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện 3 đề án trình Bộ Chính trị trong quý I/2023

THY HẰNG 31/12/2022 08:50

Năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương đặt mục tiêu hoàn thiện 3 đề án trình Bộ Chính trị trong quý I đầu năm.

>>>KINH TẾ 2023: Điều hành chính sách cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung thực hiện và hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Công tác triển khai thực hiện các Đề án được Ban tổ chức khoa học, bài bản, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, huy động được trí tuệ tập thể, sự tham gia có trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và một số cơ sở nghiên cứu, qua đó hoàn thành đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng các đề án.

ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung thực hiện và hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn.

ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung thực hiện và hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn.

Căn cứ các đề án do Ban Kinh tế Trung ương trình, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 03 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 06 nghị quyết, Ban Bí thư ban hành 01 chỉ thị. Đây là các văn kiện hết sức quan trọng để triển khai thực hiện những chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các đề án do Ban Kinh tế Trung ương trình đều được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng, tích cực triển khai thực hiện trong xã hội.

Cụ thể, năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành 03 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết, gồm: Hoàn thành Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" trình Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua và ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" trình Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua và ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành trình Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết mới, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 4 Nghị quyết Vùng: Nghị quyết vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng đồng bằng Sông Hồng.

Ban Kinh tế Trung ương cũng đang tiếp tục hoàn thiện 03 đề án trình Bộ Chính trị trong thời gian tới, cụ thể gồm: (1) Đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. (2) Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. (3) Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020".

Triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, tạo nền tảng cho việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030). Đây cũng là năm được dự báo bên cạnh thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn và thách thức đan xen".

>>>KINH TẾ 2023: Cần giải pháp đột phá khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

Do đó, Trưởng Ban Trần Tuấn Anh đề nghị toàn thể Ban tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm. Thứ nhất, yêu cầu các Ban Chỉ đạo cần tiếp tục rà soát, rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tổng kết các Nghị quyết, xây dựng các đề án để áp dụng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Kinh tế Trung ương.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Kinh tế Trung ương.

Thứ hai, xác định việc ban hành Nghị quyết đã khó nhưng đưa Nghị quyết vào cuộc sống còn khó hơn nên trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của BCH Trung ương, của Bộ Chính trị về kinh tế đã ban hành trong năm 2022, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ công tác của Ban, trong đó đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai Nghị quyết của các tổ chức đảng, các cơ quan, Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, từ đó mới nâng cao được hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng.

Thứ ba, tập trung hoàn thành các đề án để trình Bộ Chính trị trong tháng đầu, quý đầu của năm 2023, cụ thể là: (1) Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030"; (2) Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”; (3) Đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Thứ tư, từng cán bộ, công chức ở các đơn vị chuyên môn thuộc Ban cần phải tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế để giúp Lãnh đạo Ban trong công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tích cực nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề về kinh tế gửi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng tham khảo, phục vụ công tác.

Thứ năm, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu công tác của Ban trong tình hình mới.

Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và nghiên cứu, xem xét thực hiện chế độ cán bộ biệt phái để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Ban trong điều kiện nguồn nhân lực có hạn.

Thứ bảy, tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá khoá XII, XIII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh các hoạt động đoàn thể bằng những hình thức phù hợp, tạo không khí phấn khởi, đầm ấm, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ, qua đó góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

  • KINH TẾ 2023: Điều hành chính sách cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng

    19:06, 17/12/2022

  • KINH TẾ 2023: Dòng vốn FDI là "lá phiếu tín nhiệm" để Việt Nam đối đầu "cơn gió ngược"

    17:27, 17/12/2022

  • KINH TẾ 2023: Cần giải pháp đột phá khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

    16:28, 17/12/2022

  • KINH TẾ 2023: Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới

    14:56, 17/12/2022

THY HẰNG