Đeo khẩu trang cho trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19 khi đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì?

MINH CHÂU 08/11/2021 17:47

Tại Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục, nhiều địa phương đã nêu ý kiến về vấn đề đeo khẩu trang, tiêm vaccine cho trẻ em,...

Chiều ngày 8/11, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. 

Tại đầu cầu Hà Nội, tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Ngô Thị Minh và các đại diện Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế. Về phía đầu cầu trực tuyến, hội nghị còn có sự tham gia của các Giám đốc Sở y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở thông tin truyền thông,…của các tỉnh thành phố, các quận, huyện, thị xã.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Tình hình dịch bệnh trong làn sóng lần thứ 4 vẫn đang vô cùng phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các em học sinh trên phạm vi cả nước. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể thực hiện theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục. Điều đó còn tác động đến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh.”

Theo báo cáo cập nhật từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Tổng số vụ F0 trong Bộ quản lý, giáo viên, trẻ em và học sinh là: 47.497 vụ;  số trường hợp F0 là giá trị hiện tại của: 14.745 người (Cán bộ, giáo viên: 1.728; Học sinh: 13.017).

Trong bối cảnh này, với sự chỉ đạo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp cùng Bộ Y tế, các địa phương đã hết sức cố gắng để giữ an toàn và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Cụ thể, theo tinh thần Nghị quyết 128/ NQ - CP của Chính phủ về chỉ đạo tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chỉ đạo tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại các trường học,  các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo đề nghị các địa phương rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, giáo viên khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường học. Ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ tại các trường học; nhanh chóng sửa chữa, khử trùng tiêu độc các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly để đón học sinh tựu trường; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Trên cơ sở đánh giá, xác định mức độ dịch của từng địa phương để quyết định cho học sinh đi học trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, khống chế được dịch thì chủ động cho học sinh đi học lại.

Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục.

Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục.

“Chúng tôi mong muốn được tiếp thu những ý kiến của địa phương và mong muốn sự phối hợp của Y tế và Giáo dục sẽ luôn cùng đồng hành, vào cuộc để nâng cao nhận thức, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đáp ứng an toàn – linh hoạt cho địa phương. Cùng trao đổi thẳng thắn, rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan để đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục,…”- Thứ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo cho biết.

Tại hội nghị, ông Vương Chí Nam, Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, cho hay quan điểm của Bộ Y tế phải đảm bảo an toàn khi trẻ đến trường. Các trường hợp được đến trường học trực tiếp sẽ phân theo cấp độ dịch.

Khi trẻ tới trường cần phải đảm bảo mỗi trẻ một cốc uống nước và đồ dùng vệ sinh riêng. Tại trường cần có nơi rửa tay cho trẻ với xà phòng. Cần phải lưu ý học sinh không nên đưa tay lên mắt, mũi miệng. Hướng dẫn học sinh khi ho, hắt hơi đúng cách.

Cũng theo ông Nam, trong trường hợp có người nghi mắc COVID-19 trong nhà trường, cần phải thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn Covid cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh; cung cấp khẩu trang và hướng dẫn cách đeo đúng; yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người xung quanh và hạn chế tiếp xúc dưới 2m.

Bên cạnh đó, cần phải thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi nhiễm đến phòng cách ly tạm thời; hướng dẫn trường hợp nghi nhiễm di chuyển lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định sử dụng.

Ông Nam cũng cho biết thêm, nếu có các trường hợp nghi nhiễm tại trường học cần gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (Số điện thoại 19009095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn xét nghiệm SARS-CoV-2 và nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị; tuyệt đối không dùng phương tiện công cộng để di chuyển ca nghi nhiễm đến cơ sở y tế; lập danh sách các trường hợp tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.

Theo ông Nam, khi xác định có trường hợp Covid-19 trong trường học, sẽ phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ trường học; lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách y theo đúng quy định; rà soát tất cả học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng nghi ngờ; tổ chức việc cách ly tạm thời tại trường học các ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.

95% trẻ em chỉ định tiêm chủng vaccine COVID-19

Tại hội nghị, TS Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (GDTC) đã báo cáo về công tác phối hợp phòng chống dịch.

Theo đó, TS Nguyễn Nho Huy cho biết: “Bộ Y tế, Bộ GDĐT đã ban hành các Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong ngành Giáo dục; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục.”

Nguyên tắc là mở rộng đối tượng tiêm chủng tuổi từ cao hạ xuống thấp và phải căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine tình hình dịch bệnh và độ bao phủ cho nhóm 18 tuổi trở lên phải đảm bảo.

Theo Bộ Y tế, phải đảm bảo tối đa 95% trẻ em chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19 phải tiêm đủ liều cơ bản. Trong quá trình tiêm phải đảm bảo an toàn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị, tôi xin tổng hợp 3 vấn đề chính từ các địa phương cần được giải quyết. Đó là: Vấn đề về tiêm vaccine cho học sinh, khó khăn trong quá trình thực hiện 5K (khẩu trang – khoảng cách) tại các đơn vị trường học và phương pháp xử lý đối với ca F0 trong trường học."

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị.

Theo nhận định của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), tình hình dịch năm 2021 và 2022 vẫn còn phức tạp và không biết có xuất hiện biến chủng mới hay không. Hiện nay, 105/134 quốc gia trên thế giới đã mở cửa cho học sinh trở lại. Do vậy các nước đã thay đổi cách chống dịch sang sống thích ứng an toàn.

Dựa theo những cơ sở về tiêm chủng của nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 theo nguyên tắc Thích ứng trong điều kiện dịch an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Do đó, nhiều bệnh viện hiện nay đã áp dụng phương pháp cách ly khoanh vùng, chứ không cách ly, phong toả toàn bệnh viện.

Sở Y tế cần phải kiểm tra các trường học đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch. Theo đó hiệu trưởng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch. Các trường phải xây dựng kịch bản khi có một trường hợp F0 cần phải xử lý ra sao phù hợp với từng trường (kế hoạch phải được ban chỉ đạo phê duyệt); căn cứ vào cấp độ dịch để quyết định cho học sinh đi học theo hình thức nào. Việc cho trẻ đi học cần phải rất linh hoạt theo cấp độ dịch của địa phương.

Trả lời vấn đề học sinh đi học có cần 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hay không, Thứ trưởng cho biết đã có quy định rất rõ trong công văn 1583 (Bộ GD&ĐT) không yêu cầu đeo khẩu trang và ngồi giãn cách trong trường lớp.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang phụ thuộc vào lượng vaccine COVID-19 và cần được ưu tiên tiêm trước cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đối tượng trên 65 tuổi và sau đó là mở rộng đối tượng trên 50 tuổi. 

Để tiêm được cho trẻ cần phải có sự thống kê lập danh sách để tất cả trẻ tiếp cận được vaccine. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền về việc tiêm vaccine tác dụng phụ để phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm ở mức độ cao nhất.

Trước câu hỏi nếu học sinh chưa tiêm vaccine có được đến trường hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Đối với trẻ đã tiêm và chưa được tiêm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định... Theo hướng dẫn đó, các địa phương ở cấp độ 1 có thể cho các trẻ chưa tiêm và đã tiêm đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2 trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách kết hợp với học trực tuyến".

Phải an toàn mới đi học và khi đi học thì phải an toàn" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Minh, cần phải để trẻ sớm được đến trường an toàn vì việc học online kéo dài có thể ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của trẻ. Vấn đề này đã được các chuyên gia phân tích đánh giá. Do vậy, ở những địa phương cấp độ dịch ở mức độ 1 và 2 cần tạo mọi điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp, ngay cả mầm non cũng cần phải được đến trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi

    14:13, 02/11/2021

  • Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ em từ tháng 11/2021

    18:07, 26/10/2021

  • Hà Nội dự kiến tiêm nhắc lại mũi 3 vaccine COVID-19

    14:58, 22/10/2021

  • Tiêm vaccine cho trẻ: TP HCM chờ Bộ Y tế hướng dẫn

    10:32, 22/10/2021

  • Hà Nội sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi

    00:00, 21/10/2021

MINH CHÂU