Bác sĩ và chuyên gia y tế khuyến cáo người dân dừng tích trữ và lạm dụng test nhanh
TS. BS Phan Thảo Nguyên nhấn mạnh: “Tôi phản đối kịch liệt tình trạng lạm dụng test nhanh mỗi ngày. Khi chúng ta đã tiêm đủ vaccine, hãy coi đây là bệnh cúm thông thường."
Dịch bệnh vừa qua diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng liên quan tới phòng, chống dịch như kit test nhanh Covid-19 tăng giá, khan hiếm. Bình quân giá kit test nhanh Covid-19 tăng giá 15-20% so với thời điểm trước Tết nguyên đán
>>Chúng ta đang quá lãng phí test nhanh!
Hiện các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch đã được bổ sung vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá. Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính nguyên cứu, đưa kit test và các mặt hàng, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống Covid-19 vào diện bình ổn giá. Tuy nhiên, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần tiến hành khẩn trương hơn, có các giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung và có biện pháp quản lý, bình ổn giá mặt hàng này.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khan hiếm kit test đó là gần đây, quá nhiều người lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kít xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test. Các chuyên gia khẳng định việc này rất lãng phí mà không cần thiết.
Theo đó, Bộ Y tế đã quy định, F1 chỉ cần xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 sau cách ly. F0 cũng chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7. Nhưng gần đây, quá nhiều người lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kít xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.
>>Lại “loạn” giá kit test nhanh COVID-19: Vì sao lặp lại “kịch bản” cũ?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến cho tâm lý người dân hoang mang, gây nên tình trạng tích trữ kit test. Một phần lý do cho sự khan hiếm này là vì trong nước ta, rất ít doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng kit test. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây chỉ là sự thiếu hụt tạm thời và sẽ sớm nguồn cung điều chỉnh phù hợp.”
Về phía người dân, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Người dân cần định hình một tâm thế mới chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng. Phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, tiếp xúc xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 1-2 ngày sau thì kết quả mới có độ chính xác cao.”
Cũng về vấn đề này, TS. BS Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc phụ trách Chuyên môn Bệnh viện E nhấn mạnh: “Tôi phản đối kịch liệt tình trạng người bệnh lạm dụng test nhanh mỗi ngày, thậm chí nhiều lần một ngày. Khi chúng ta đã tiêm đủ vaccine, hãy coi đây là bệnh cúm thông thường. Nếu chúng ta có biểu hiện nghi ngờ lây nhiễm COVID-19, có thể test nhanh để kiểm tra hoặc chính xác hơn là test PCR. Tuy nhiên, khi đã xác định và trở thành F0, người bệnh chỉ cần test lại sau 7 – 10 ngày để xác nhận đã khỏi bệnh.”
Một lần nữa, TS. BS Phan Thảo Nguyên khuyến cáo người dân chỉ cần kiểm tra 1 lần nếu nghi ngờ nhiễm bệnh và dừng việc test thường xuyên, tránh gây lãng phí, tốn kém. “Hạn chế được điều này sẽ làm giảm tình trạng khan hiếm cũng như tích trữ, đầu cơ kit test bán với giá cao và đảm bảo cuộc chiến với dịch bệnh được lâu bền.” - TS. BS Phan Thảo Nguyên chia sẻ.
Mỗi ngày, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội vẫn không ngừng tăng lên. Rất nhiều người tốn một khoản tiền khá lớn trong việc điều trị cũng như phòng ngừa COVID-19. Trong đó, khoản chi lớn nhất có lẽ dành cho việc test COVID-19 qua kit test nhanh được bán trên thị trường hoặc test PCR tại các cơ sở y tế.
Do đó, các bác sĩ, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo người dân nên bình tâm, chỉ mua và dùng khi có triệu chứng để cùng đồng lòng, đoàn kết vượt qua dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Chúng ta đang quá lãng phí test nhanh!
11:52, 24/02/2022
Lại “loạn” giá kit test nhanh COVID-19: Vì sao lặp lại “kịch bản” cũ?
23:05, 22/02/2022
Thanh Hoá: Trung tâm y tế Nghi Sơn có "độc quyền" test nhanh COVID-19?
03:00, 24/02/2022
Bác sĩ giải thích lý do test nhanh COVID vạch mờ vạch đậm
01:00, 14/01/2022
Phát hiện, bắt giữ hơn 85.000 test nhanh COVID-19 nhập lậu
10:30, 18/02/2022