Những chi phí gây phiền hả cho doanh nghiệp FDI.

Những chi phí gây phiền hả cho doanh nghiệp FDI.

Theo các doanh nghiệp FDI, các quy định pháp luật điều chỉnh việc gia nhập thị trường, chẳng hạn như đăng ký doanh nghiệp và cấp phép đầu tư đã được cải thiện nhờ Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014.

Có được kết quả nói trên phải kể đến việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt gánh nặng quy định đối với các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết nêu các mục tiêu cụ thể liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới và chính phủ điện tử. Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra để tránh các cuộc thanh tra chồng chéo và không cần thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Với những biện pháp mới này, gánh nặng quy định sau khi gia nhập thị trường đã được giảm đáng kể.

Điều này được minh chứng bằng tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành trên 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ 72% xuống còn 66%. Ngoài ra, những doanh nghiệp phải tiếp từ 8 đoàn thanh tra, kiểm tra trở lên mỗi năm đã giảm từ 4,6% xuống còn 3,4%. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận, song các biện pháp nhằm giảm bớt gành nặng quy định hành chính sau khi gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp đang dần phát huy hiệu quả.

Đáng lưu ý, những cải thiện về các quy định gia nhập thị trường được ghi nhận trong báo cáo PCI năm 2016 tiếp tục duy trì trong năm 2017. Nỗ lực của Chính phủ trong việc chấn chỉnh các hoạt động thanh tra năm 2017 dường như đã có tác động ngay lập tức. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI cho rằng các thủ tục hành chính vẫn là phiền hà nhất. Cụ thể, 28% doanh nghiệp cho rằng thuế quan vẫn còn phiền hà, và 29% doanh nghiệp cho rằng hải quan là gây tốn kém đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp theo đó là lĩnh vực bảo hiểm xã hội.