8 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài đạt 21,64% dự toán, cao hơn so với cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 của cả nước.  

Do không giải ngân được theo kế hoạch, nhiều bộ, ngành xin hoàn trả lại kế hoạch vốn được giao

Do không giải ngân được theo kế hoạch, nhiều bộ, ngành xin hoàn trả lại kế hoạch vốn được giao

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch COVID-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước. Hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…

Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như: năng lực của chủ dự án; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư; kéo dài thời gian rút vốn... làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn này.

Do không giải ngân được theo kế hoạch, nhiều bộ, ngành xin hoàn trả lại kế hoạch vốn được giao. Điển hình như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hoàn trả số vốn lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; Bộ Y tế xin trả lại 500 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trả lại 147 tỷ đồng...

Để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài trong năm 2020, tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra 6 giải pháp. 

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Bộ, ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp, cân đối trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.

Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán.

Những chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để chiều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký.

Đối với các nội dung về tài chính, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định.

Các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm, chỉ đạo các chủ dự án vào các ngày 15 và 30 hàng tháng chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng bộ, ngành….

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, với tốc độ giải ngân như hiện nay, nếu các bộ, ngành không có giải pháp quyết liệt thì sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Bộ Tài chính luôn cố gắng phối hợp cùng với các dự án để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài mặc dù vai trò của Bộ Tài chính là khâu cuối cùng của giải ngân, rút vốn." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhấn mạnh.